Hơn 800 sản phẩm kiểm nghiệm “khống” tại Tổng cục Thủy sản

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau vụ việc sai phạm tại 11 đơn vị được Bộ NN&PTNT chỉ định hoạt động chứng nhận chất lượng và thử nghiệm phân bón vừa bị phát hiện mới đây, thông tin về hơn 800 sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) của 139 DN được kiểm nghiệm “khống” khiến cho dư luận ngày càng mất niềm tin.

Nhận tiền của doanh nghiệp

Sai phạm tày trời nêu trên xảy ra tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (trực thuộc Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT). Cụ thể, với việc phát hành văn bản không đúng quy định và ký khống phụ lục văn bản vào văn bản gốc tổng số 5 văn bản trong khoảng thời gian từ 2013 đến đầu năm 2015, Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định NTTS đã hợp quy hơn 860 sản phẩm lưu hành trên thị trường. Trong đó có 140 sản phẩm thức ăn thủy sản và 668 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường NTTS. Kết quả xác minh của Tổng cục Thủy sản cho thấy, các cá nhân vi phạm đã nhận tiền từ DN để thực hiện hành vi kiểm nghiệm “khống” này. Và theo lời khai của những người trực tiếp tham gia, với mỗi sản phẩm được kiểm nghiệm “khống” sẽ thu được 5 triệu đồng.
Chánh văn phòng Tổng cục Thủy sản Dương Văn Cường (đứng), trao đổi với báo chí về các thông tin liên quan. Ảnh: Minh Phúc
Chánh văn phòng Tổng cục Thủy sản Dương Văn Cường (đứng), trao đổi với báo chí về các thông tin liên quan. Ảnh: Minh Phúc
Cũng theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, có sự buông lỏng trong quản lý tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định NTTS dẫn đến việc nhiều viên chức trực tiếp liên hệ hoặc qua trung gian nhận hồ sơ từ DN. Từ đó thực hiện viết hồ sơ sản phẩm giúp cho DN đăng ký lưu hành sản phẩm và thu lời bất chính hàng tỷ đồng. Trong đó, trực tiếp có sự tham gia của ông Bùi Đức Quý – Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định NTTS với một số cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh.

Theo thông tin ngày 21/7 của Tổng cục Thủy sản, các cá nhân có liên quan đến vụ việc đã cố ý làm sai quy định, cố tình ghép phụ lục, đưa thêm một số sản phẩm là chất xử lý cải tạo môi trường trong NTTS vào lưu hành. Văn bản gốc được ký, ban hành, lưu trữ là đúng nhưng đã bị các đối tượng lợi dụng để làm trái quy định. Có những phụ lục được cắt ghép từ văn bản gốc đã ban hành trong năm 2013 nhưng thời điểm thực hiện cắt ghép là năm 2015.

Xử lý đã triệt để?

Ngay sau thanh tra phát hiện sai phạm, Tổng cục Thủy sản đã có quyết định yêu cầu thu hồi 2 văn bản. Thứ nhất là Văn bản số 1382/TCTS-VP ngày 3/5/2013 của Tổng cục Thủy sản về việc xác nhận các sản phẩm đáp ứng yêu cầu bổ sung vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Thứ hai là Văn bản số 663/TCTS-TTKN ngày 22/3/2013 của Tổng cục Thủy sản về việc thông báo các sản phẩm đáp ứng yêu cầu bổ sung vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng có quyết định thu hồi một phần 3 phụ lục ban hành kèm theo các văn bản gồm  Văn bản số 758/TCTS-TTKN ngày 1/4/2013, Văn bản 1526/TCTS-VP ngày 17/6/2013, Văn bản 1789/TCTS-VP ngày 10/7/2013. Như vậy, với việc thu hồi các văn bản, phụ lục ban hành kèm theo các văn bản nêu trên, đã có 139 DN có sản phẩm liên quan tới xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, thức ăn thủy sản bị thu hồi sản phẩm.

Cùng với việc thu hồi các văn bản, Tổng cục Thủy sản cũng đã có quyết định cách chức Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản đối với ông Bùi Đức Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản. Đồng thời buộc thôi việc 1 công chức, 5 viên chức, cảnh cáo 1 viên chức của Trung tâm và khai trừ Đảng đối với 2 đảng viên. Tuy nhiên, cho tới nay “danh tính” của hơn 800 sản phẩm bị thu hồi – mối quan tâm lớn của người dân, nhất là những người trực tiếp NTTS thì chưa rõ. Hơn nữa, một số cá nhân liên quan đã có dấu hiệu làm giả hồ sơ, công văn của cơ quan chức năng nhưng chỉ bị xử lý nội bộ. Điều này khiến cho dư luận đặt câu hỏi, liệu Tổng cục Thủy sản và Bộ NN&PTNT đã xử lý triệt để, thỏa đáng sự việc trên?

Nông dân chịu thiệt hại

Trong lúc hơn 800 sản phẩm liên quan đến NTTS bị kiểm nghiệm khống chưa được thông tin rõ ràng, người chịu thiệt hại trực tiếp đang là người nông dân. Ngay cả trong kết quả xác minh của Tổng cục Thủy sản cũng nêu rõ, hành vi vi phạm có thể gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến người NTTS nếu họ mua phải sản phẩm được lưu hành trái pháp luật. Từ đó làm cho người dân mất lòng tin vào cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, các DN sản xuất, kinh doanh thủy sản cũng có thể bị thiệt hại rất lớn nếu đã đầu tư vào sản xuất.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị chiều 21/7, ông Nguyễn Trí Ngọc – Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT Việt Nam nhận định, những sai phạm tại Tổng cục Thủy sản bắt nguồn từ chính cơ chế quản lý đã lỗi thời của Bộ NN&PTNT. Theo đó, các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y… được quản lý theo danh mục. Muốn được đưa vào danh mục phải qua khâu kiểm nghiệm, đánh giá các tiêu chí. Điều này tạo kẽ hở cho việc gian lận, DN đi “cửa sau” để đưa được sản phẩm của mình vào danh mục.

Ông Ngọc cũng khẳng định, người chịu thiệt trước hết chính là nông dân, bởi họ mua phải sản phẩm chưa được qua kiểm nghiệm, đánh giá tác động môi trường, an toàn hay không? Chính vì vậy, để tránh những sự việc tương tự xảy ra, theo ông Ngọc cần phải thay đổi cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, có thể áp dụng theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. “Trước mắt, phải công bố rõ cụ thể hơn 800 sản phẩm bị thu hồi là gì, có sai thì phải sửa” – ông Ngọc chia sẻ.

Các cơ quan kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng vật tư nông nghiệp là nơi đánh giá sản phẩm có đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hay không, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, với liên tiếp các sai phạm tại một số đơn vị của Bộ NN&PTNT về kiểm định chất lượng, liệu niềm tin của người nông dân có còn đặt đúng chỗ?
Ngày 21/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh về việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (thuộc Tổng cục Thủy sản). Đồng thời công bố công khai các sản phẩm không bảo đảm chất lượng và có biện pháp xử lý kiên quyết không để lưu hành các sản phẩm sai quy định, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2016. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần