Hồn dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy

Công Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Một thế kỷ - từ ngày Phạm Duy sinh ra đến nay là một thế kỷ đặc biệt (5/10/1921 - 5/10/2021). Phạm Duy vào đời cũng chính là vào cuộc “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” như ông viết trong “Tình ca”. Nhân 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy, chúng ta tưởng nhớ ông và tâm hồn ông.

 Nhạ sĩ Phạm Duy (nguồn ảnh internet)

Viết nhạc cho mọi người

Suốt cuộc đời viễn du khắp năm châu bốn bể, tâm hồn Phạm Duy luôn đau đáu tình quê hương, như nhiều lần ông nói: “Không đâu đẹp bằng quê hương Việt Nam”. Quê hương không phụ lòng ông, đã dang rộng vòng tay đón người con Phạm Duy trở về. Những năm cuối đời, Phạm Duy cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện khi được sống, được tiếp tục viết nhạc trên chính quê hương mình, được chứng kiến trở lại những buổi đông đảo khán thính giả say sưa nghe nhạc của mình ngay giữa lòng TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Cuối cùng, thể xác Phạm Duy được hòa vào lòng đất mẹ, hóa thân vào những bãi bờ, cây cỏ, ôm ấp lấy dãi đất hình chữ S mà ông trọn một đời say đắm thương yêu. Để lại hơn một nghìn bài hát, tâm hồn Phạm Duy qua âm nhạc mãi mãi sống trong đời sống tinh thần của mọi tầng lớp người dânViệt.

Phạm Duy viết nhạc cho người lớn, cho trẻ em,  người nông dân lao động nghèo, những mối tình quê nghèo khó; cho những người tham gia cuộc chiến với cả hào hùng và mất mát, thương đau; cho những mối tình sinh viên thơ mộng, lãng mạn, yêu đời, và cho những cuộc tình xen lẫn vui, buồn, hạnh phúc, đắng  cay... Phạm Duy viết nhạc tả vẻ đẹp của những cánh đồng quê, những buổi chiều quê, với lũy tre, bãi mía, nương dâu. Phạm Duy viết nhạc tả vẻ đẹp của những con đường tình phố thị, những “khung trời đại học”. Phạm Duy viết nhạc tả cảnh đẹp của núi rừng, với những người sơn nữ nương chiều gánh lúa. Phạm Duy viết “thương ca”, “tâm ca”, “đạo ca”, “tục ca”... Hiếm nhạc sĩ nào có sự đa dạng về đề tài, đặc biệt là đa dạng, phong phú về chủ đề âm nhạc như Phạm Duy. Nhạy cảm với đời sống, Phạm Duy luôn đồng thời nhạy cảm với từng bước chân của lịch sử. Theo hành trình âm nhạc của ông, người Việt có thể tìm thấy lịch sử tâm hồn dân tộc mình - ở nhiều khía cạnh quan trọng - hiểu theo cách của Aristote: “Thơ thật hơn lịch sử”. Phạm Duy đã sống sâu với những vui, buồn, sướng, khổ, nhục, vinh... của bao kiếp con người hằn trên đất Việt Nam. Nhạc Phạm Duy có buồn nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng. Ông tự hào về giống nòi, truyền thống lịch sử, đất nước quê hương mình. Tình yêu và niềm tự hào ấy trở thành giai điệu thiết tha, hình tượng âm nhạc đẹp tươi, khỏe khoắn: “Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanhRuộng đồng vun sóng ra Thái BìnhNhìn trùng dương hát câu no lành” (Tình ca); “Mẹ Việt Nam cho quê hương muối trắng/ Thêm thơm mâm cơm mặn nồng/Mẹ còn cho con/ Luôn luôn tôm to, cá lớn tươi ngon đầy thuyền” (Mẹ trùng dương)...

Hát lên nỗi lòng người dân Việt

Đặc biệt, đáng nói là hiếm có nhạc sĩ nào am hiểu, sống sâu trong hơi thở văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa dân gian như Phạm Duy. Dù  khai thác những khía cạnh nội dung bất ngờ, mới mẻ đến đâu nhạc Phạm Duy vẫn luôn luôn gần gũi, hát lên nỗi lòng người dân Việt. Ngày xưa Tản Đà ao ước sao cho thơ mình có ngày được những người lao động, những người bình dân cày cuốc, ruộng vườn ngâm ngợi. Ngày nay, Phạm Duy cũng vậy. Những tâm hồn nghệ sĩ lớn luôn hướng về Nhân dân mình, dân tộc mình. Phạm Duy đã có được cái diễm phúc mà Tản Đà ao ước. Tác phẩm âm nhạc Phạm Duy đã được hát, được biểu diễn khắp Việt Nam.

Thấm đẫm từng sự kiện, từng trang sử dân tộc, Phạm Duy có được những ca khúc lừng lẫy như: Tình caCon đường cái quan, Nước non ngàn dặm ra đi... Nhưng hồn dân tộc không chỉ nằm trong những sáng tác viết về đề tài lịch sử dân tộc. Hồn dân tộc còn nằm chính trong cách cảm, cách nghĩ, trong hơi thở thanh âm... của từng nhịp thức, hình tượng, giai điệu, ca từ... ở hầu hết sáng tác của Phạm Duy. Khám phá vẻ đẹp và giá trị âm nhạc Phạm Duy ở khía cạnh nội dung này đòi hỏi nhiều hơn nữa  những công trình nghiên cứu toàn diện, dài hơi.  Mong sao có nhiều công trình như thế từ các nhà nghiên cứu, từ các hội thảo khoa học trong tương lai về âm nhạc Phạm Duy.

Lắng kỹ những ca khúc như Khối tình Trương Chi, Hẹn hò, Bà mẹ quê, Về miền Trung, Bà mẹ Gio Linh..., người nghe thấm thía những tình cảm yêu thương, đau buồn, tủi hận... nhưng đồng thời nghe ra được sức sống, sức quật khởi bên trong của con người Việt Nam suốt trường kỳ tranh đấu. Điệu hồn Việt Nam truyền thống từ trong cổ tích, ca dao... đi vào âm nhạc Phạm Duy trở nên tươi mới mà vẫn giữ được vẻ đẹp hồn nhiên nguồn cội  thuở nào. Ca khúc Chú cuội - nhạc phẩm mà tác giả cho là nhẹ nhàng nhất trong hơn nghìn bài hát của ông là một sự xử lý, hóa giải quá tài tình, điêu luyện giữa sự kết hợp chất liệu dân gian với yếu tố trữ tình hiện đại. Cái mộc mạc, đơn sơ, dí dỏm của câu chuyện dân gian quen thuộc đã được nâng lên thành một điệu hát trữ tình sáng trong, bay bổng... Hình tượng âm thanh trung tâm trong ca khúc này là ánh trăng vàng đã rung lên biết bao bồi hồi, xao xuyến...

 Với tâm hồn nghệ sĩ tài hoa, lãng mạn, say mê văn học, hiểu và yêu tiếng nói dân tộc - Phạm Duy là người có tài đặt lời cho bài hát của mình. Lời trong bài hát của Phạm Duy hầu hết là những ca từ đẹp cái đẹp nhuần nhị, mượt mà, uyển chuyển... của tiếng Việt bao đời nay. Nhưng chính việc say mê thơ ca dân tộc đã khơi nguồn cho sự ra đời mảng bài hát phổ thơ độc đáo vô song của ông. Phổ thơ, Phạm Duy không làm sai hồn, lệch ý bài thơ. Bàn tay âm nhạc thần diệu của Phạm Duy đã nâng đôi cánh thơ ca của các nhà thi sĩ bay cao, lan tỏa ra xa, mở thêm cho thi phẩm của họ  những  đời sống mới. Biết bao tình hay, ý đẹp của tâm hồn Việt Nam được Phạm Duy diễn tả qua mảng sáng tác này. Thơ Mới lãng mạn của Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư...; thơ Minh Đức Hoài Trinh, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên... qua “kỹ thuật” âm nhạc của Phạm Duy đã trở nên những “tinh hoa” nghệ thuật  lung linh, cuốn hút tâm hồn người nghe suốt bao thế hệ.

Là con “nhà nòi”(thứ nam của nhà văn Phạm Duy Tốn), Phạm Duy sinh ra, lớn lên trong cái nôi văn hóa Thăng Long, với thời đại bừng nở giao lưu văn hóa  Pháp - Việt, đọc Thơ mới, đọc văn chương Tự lực văn đoàn, sống không khí thời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam... Rõ ràng, ông có những những  ưu thế lớn để sáng tác âm nhạc trữ tình. Nhưng, nếu thiếu đi một ý thức quyết liệt về thiên chức người nghệ sĩ, thiếu sự tự nuôi dưỡng tâm hồn bằng dòng sữa ngọt của truyền thống văn hóa dân tộc cũng như thiếu đi ý thức tự tôn nòi giống thì chắc chắn chúng ta không có được một Phạm Duy như ngày hôm nay.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Duy - đại thụ của nền âm nhạc dân tộc, chúng ta có thêm dịp hiểu ông hơn, biết ơn ông hơn, ngưỡng mộ ông hơn và thêm một lần vinh danh ông. Vinh danh Phạm Duy là vinh danh tâm hồn Việt Nam. Vinh danh Phạm Duy là vinh danh sức sống Việt Nam.

Gần một thế kỷ gắn bó với đời sống Nhân dân, lắng sâu hồn dân tộc, hòa nhịp cùng thời đại, sáng tạo ra cả một thế giới âm nhạc vô cùng  độc đáo và phong phú -  Phạm Duy đã yêu đất nước, giống nòi, yêu dân tộc Việt Nam hơn ai hết theo cách của một nhà nghệ sĩ.