Hiệu quả rất cao
Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, hơn một năm áp dụng mức phạt mới theo Nghị định 100, đã có 430.000 trường hợp vi phạm luật giao thông bị xử lý, phạt hành chính trên 200 tỷ đồng; tạm giữ hơn 20.000 phương tiện, 120.000 bộ giấy tờ. Trong đó có gần 10.000 ô tô khách; khoảng 40.000 xe con; 12.627 xe tải; hơn 5.000 xe taxi và 265.953 mô tô, xe máy.Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thông tin, các lỗi vi phạm chủ yếu như sai phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, ngược chiều, dừng đỗ sai quy định và nồng độ cồn… Đây cũng những lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn, ùn tắc giao thông. Khi áp dụng Nghị định 100, mức phạt nặng hơn đã khiến người dân dần nâng cao ý thức trong tham gia giao thông. Kết quả tất yếu là tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn TP đã có những dấu hiệu tích cực.
Theo thống kê của Ban ATGT TP Hà Nội, trong năm 2020, toàn TP xảy ra 427 vụ tai nạn giao thông làm chết 440 người, bị thương 116 người. So với cùng kỳ năm 2019 đã giảm 60 vụ, 75 người chết và 21 người bị thương; số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giảm sâu với 44 vụ, 44 người chết và 12 người bị thương.
Đặc biệt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã bị phạt rất nặng, tạo nên hiệu ứng tích cực lan toả rộng khắp trong mọi tầng lớp xã hội. Đông đảo người dân đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với Nghị định 100. Ông Phạm Văn Hoa (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Nghị định 100 với mức phạt cao, nghiêm khắc đã khiến người tham gia giao thông ý thức hơn. Nhiều người không còn dám lái xe khi đã uống rượu bia nữa”.Cần duy trì bền vữngPhó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển chia sẻ, Nghị định 100 đã phát huy tác dụng rất tích cực trong công tác quản lý, điều hành vận tải của các DN và cả cơ quan quản lý Nhà nước. Với mức xử phạt nặng, quy định chi tiết, cụ thể hơn, Nghị định 100 đã giúp các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát hiệu quả hơn. Đại bộ phận tài xế cũng có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, qua đó đảm bảo trật tự, ATGT trong quá trình vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa.Các chuyên gia đánh giá, Nghị định 100 chính là bước ngoặt, góp phần mạnh mẽ thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, văn hoá giao thông từ trước tới nay vẫn còn là khái niệm xa lạ với bộ phận không nhỏ người dân. Muốn xây dựng văn hoá giao thông không chỉ cần tuyên truyền mà còn phải có biện pháp nghiêm minh, xử phạt để răn đe, tạo thành nền nếp. “Có thể nói, Nghị định 100 là luật thép để xây dựng bộ khung cho văn hóa giao thông” - thạc sĩ Phan Trường Thành chia sẻ.Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy hiệu quả Nghị định 100, cần phải ghi nhận công sức của các lực lượng chức năng như CSGT, Cảnh sát trật tự, Thanh tra GTVT… Đây chính là một trong những lực lượng đưa Nghị định 100 vào sâu, lan tỏa mạnh mẽ nhất trong xã hội. Mặt khác, để duy trì hiệu quả và ngày càng lan tỏa tinh thần của Nghị định 100, góp phần xây dựng văn hóa giao thông bền vững, chính những người thực thi phải luôn giữ vững tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng với vi phạm.
"Có chế tài mạnh mẽ mà lực lượng thực thi không duy trì được sự nghiêm minh, quyết liệt thì hiệu quả của Nghị định 100 có nguy cơ “sớm nở tối tàn”. Bởi vậy, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người.": - Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành |