Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hôn nhân “danh nghĩa”

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải là phổ biến, nhưng trong cuộc sống hiện đại hôm nay đang tồn tại một kiểu hôn nhân “danh nghĩa”. Những cuộc hôn nhân ấy được bao bọc bởi một vẻ ngoài hạnh phúc và thậm chí rất mẫu mực, nhưng bên trong lại cuồn cuộn sóng ngầm.

Hiện nhiều cặp vợ chồng, dù không còn chút tình cảm nào với nhau, nhưng vẫn cố duy trì cuộc hôn nhân của mình, bởi nhiều lý do khác nhau, từ con cái, đến sự nghiệp, danh vọng..., thậm chí cả vì cái tôi cá nhân không muốn thừa nhận sự thất bại về tình cảm. Không ít cặp vợ chồng không bao giờ thấy xô xát, người ngoài nhìn vào ai cũng bảo họ hạnh phúc, đáng ngưỡng mộ. Nhưng phía trong cuộc hôn nhân ấy là hai mảnh tách biệt, hai cuộc sống riêng không kết nối. Nhưng điều đáng nói là họ cũng không nghĩ đến chuyện giải phóng cho nhau để đi tìm cuộc hôn nhân khác, bởi vẫn muốn có trách nhiệm với con cái, bởi sợ cái cảnh "rổ rá cạp lại", chuyện con chung con riêng. Với suy nghĩ ấy, họ gồng mình lên để giữ vỏ bọc hôn nhân danh nghĩa trong mắt mọi người.
 Ảnh mang tính chất minh họa.
Một người phụ nữ kể về cuộc hôn nhân mà khi chị bước vào, ai cũng bảo chị thật may mắn. Bởi cái danh “phu nhân” một người đàn ông giàu sang và thành đạt. Nhưng cuộc sống vương giả ấy không hề mang lại hạnh phúc cho chị. Vì dưới mái nhà ấy, chị chẳng có được tình cảm yêu thương của chồng. Anh luôn lấy lý do bận rộn với công việc làm ăn để thường xuyên vắng nhà, để không phải thực hiện những nghĩa vụ vợ chồng cùng chị. Thời gian của anh dành hết cho những cuộc “ngoại giao” với đối tác và chăm sóc một cô bồ bên ngoài. Cuộc sống nhàn nhạt ấy trôi đi và chị ngỡ ngàng nhận ra, lâu nay, mình chỉ là người vợ trên danh nghĩa mà anh cưới theo sự “chỉ đạo” của bố mẹ. Đau khổ, uất ức, nhiều khi chị muốn vứt bỏ hết mọi thứ, nhưng nghĩ đến bố mẹ, đến danh dự của gia đình, chị đành cam chịu: “Thôi cứ sống như vậy, đến khi nào không chịu đựng được nổi thì tính tiếp".

Có không ít cặp vợ chồng không còn thiết tha gì với cuộc sống chung, nhưng luôn chần chừ việc chia tay để tìm lại hạnh phúc mới cho mỗi người. Lý do còn bởi họ không muốn sự xáo trộn trong cuộc sống riêng tư ảnh hưởng đến sự nghiệp, không muốn trở thành đề tài cho mọi người bàn tán. Cũng vì không muốn phá vỡ sự yên ổn bề ngoài ấy, họ luôn tự nhủ "vợ chồng danh nghĩa cũng chẳng sao, miễn là mỗi người tự tìm cho mình niềm vui riêng là được". Dù không hạnh phúc nhưng họ cũng không phải oán trách lẫn nhau.

Thực tế, cũng có những cuộc hôn nhân danh nghĩa tồn tại êm ấm, bởi cả hai người đều ý thức về sự lựa chọn của mình; nhưng cũng không ít cuộc hôn nhân muốn dứt ra không được, khiến cho người trong cuộc cảm thấy ngạt thở với kiểu “hạnh phúc xích xiềng”. Tệ hơn, có người còn dùng cuộc hôn nhân lay lắt ấy để trả thù bạn đời. Một người phụ nữ khác cay đắng kể, vợ chồng chị đã ly thân, coi nhau như người xa lạ từ lâu, nhưng dù biết bao lần chị khẩn khoản cầu xin anh, nếu không hạnh phúc, hãy ly hôn để giải phóng cho nhau. Nhưng anh nhất định không chịu, và tuyên bố thẳng: “Cuộc hôn nhân dù mục nát thế nào cũng không thể tan vỡ được”. Họ mãi bị giam hãm nhau trong bất hạnh. Cũng bởi lỗi lầm ban đầu đều thuộc về phía chị, khiến lòng tự trọng của anh bị tổn thương, anh quyết trả thù vợ bằng cách không ly hôn, mà cứ duy trì cuộc sống ấy để dày vò người vợ.

Nhiều người sau khi đi qua những thăng trầm của cuộc sống không hạnh phúc cho rằng, hôn nhân là sự ràng buộc giữa hai người và chính nó cũng lột tả tất cả tình cảm về người trong cuộc. Vì vậy, đôi khi chung sống với nhau một thời gian, người trong cuộc không còn tha thiết với người bạn đồng hành của mình, ấy là khi cuộc hôn nhân đã chỉ còn là danh nghĩa. Trong trường hợp đó, có người tìm được hướng giải quyết, có người làm rạn nứt tình cảm của nhau và có những người cố gồng mình để duy trì hôn nhân. Theo các nhà tâm lý học, nếu hôn nhân rơi vào những trường hợp bi đát ấy, vợ chồng nên nói chuyện với nhau để cải thiện tình trạng này. Nếu cả hai không làm được, hãy nhờ tới một người tin cậy như bạn bè hay người thân trong gia đình để giúp họ cứu vãn mái ấm của mình khi còn chưa quá muộn, hoặc giải phóng cho nhau cũng là giải pháp.