Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồn xưa trở lại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lững lờ khe Yến cá nghe kinh/ Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng...”. Mới dừng ở cổng chùa An Quốc Tự, đình Tú Uyên, tại phố Cát Linh, chúng tôi đã nghe âm điệu của ca trù vọng ra.

KTĐT - "Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lững lờ khe Yến cá nghe kinh/ Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng...”. Mới dừng ở cổng chùa An Quốc Tự, đình Tú Uyên, tại phố Cát Linh, chúng tôi đã nghe âm điệu của ca trù vọng ra. Chân bước qua cánh cửa gỗ, thấy bên trong câu lạc bộ ca trù Hà Nội là hơn hai chục khán giả, mà quá nửa là những người trẻ tuổi, đang hòa mình vào thứ không gian huyền ảo của sênh, phách. Gương mặt các "quan viên" 7x, 8x như chiêm nghiệm, ngẫm ngợi điều gì.

Bên chén trà lên hương thơm ngát, chúng tôi lắng nghe âm sắc trầm, đục của đàn đáy, nhịp phách giòn vang và ca từ réo rắt lan tỏa trong căn phòng. Giọng của một bác lớn tuổi giới thiệu về ca trù cho một đôi bạn trẻ, nghe xa xôi như thứ phù vân chốn kinh kỳ: Ca trù hay là thế, mà một thời người ta lại gọi bằng cái tên đầy khinh mạn là hát "cô đầu". Nào mấy ai biết, đây là loại hình âm nhạc thanh tao, lịch lãm của người kinh kỳ. Ca từ, giọng hát hoà cùng các nhạc khí: phách, đàn đáy, trống chầu, tuyệt vời như thế này thì không một nghệ thuật nào có được.

Lắng nghe những lời ca cổ như câu chuyện về tình yêu, tình người của người xưa nói với người nay, gương mặt của chị Nguyễn Bích Hằng, 30 tuổi, đang làm việc tại Cty TNHH Singapore offshore service, như dãn ra. Bích Hằng mê ca trù từ hơn một năm nay vì một lý do khá ngộ nghĩnh, chị muốn biết tại sao bạn trai mình lại có thể phấn khích mỗi khi nói chuyện về ca trù. Ngày đầu được bạn bè đưa đi nghe hát ca trù, giai âm của nghệ thuật này chị nghe tai nọ lọt qua tai kia, nhưng nghe vài bận Hằng đâm thích thú. Sau đó, chị tự tìm đến các chiếu ca trù như Bích Câu, Thái Hà, Thăng Long, Lỗ Khê để thỏa niềm vui. "Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào chưa biết cái chi chi, mười lăm năm thấm thoắt có xa gì. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…". Hằng khẽ gõ nhịp, cất tiếng trong trẻo, hát nho nhỏ theo ca nương Ngọc Hân. Người phụ nữ đứng tuổi ngồi cạnh bỗng buột miệng: “Khá, hát theo đúng thơ, đúng nhịp thế này thì khá quá”.

Nhấp chén trà thơm, anh Phạm Đức Cường, một khán giả trẻ tuổi, thổ lộ về nguyên nhân khiến anh đến với chiếu ca trù: khi loay hoay trong cửa hàng băng đĩa ở Phố Huế, tình cờ trông thấy 2 CD Ca trù, anh mua nghe thử. Thế rồi giọng hát, nhịp phách, tiếng đàn đáy từ những CD này như có ma lực cuốn hút tâm trí Cường. Một tuần mà Cường không đến chiếu ca trù nghe một lần cảm thấy thiêu thiếu. Chỉ vào hai thanh niên, một người đang lim dim mắt nghe ca trù, một người đang mở điện thoại di động cho người ở xa cùng nghe, Cường cho biết, đó là hai người bạn thân của anh, từ tò mò với ca trù, đòi Cường giới thiệu, đến nay mê ca trù như "điếu đổ". "Khi nhịp sống đè nặng đôi vai, chọn không gian yên tĩnh thế này để lắng nghe tiếng hát của ca nương, ngắm đôi tay họ cầm đũa gõ vào cỗ phách, thả hồn theo tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng mạnh, tiếng nhẹ, tiếng thấp, tiếng cao, tiếng trong, tiếng đục... thì còn gì bằng". Anh Cường nói như trút nỗi lòng.

Tiếng "tom chát" của người cầm chầu bỗng chợt bừng vang tán thưởng giọng hát của cô ca nương Ngọc Hân. Anh Trần Ngọc Giao, 32 tuổi, ở tập thể Nguyễn Công Trứ, thích thú thốt lên: "nhìn ca nương, kép đàn, quan viên gieo phách, nắn phím tơ, gõ trống chầu trông thật viên mãn". Theo tâm sự của anh Giao, cách đây nửa năm, trong một lần tình cờ đi ngang qua đình Cống Vị, thoáng nghe thấy nhịp tiếng trống chầu tom tom chát chát, anh lẳng lặng vào xem và tự tìm cho mình chỗ ngồi giữa hơn chục khán giả tóc đã điểm bạc. Nhìn người nghệ nhân già chơi đàn đáy nhấn nhá tay trên từng phím đàn, lắng nghe nhịp phách đổ dồn ríu ran, anh trở thành tri kỷ của ca trù từ đó.

Sự hồi sinh của ca trù trong những năm gần đây đã thu hút khá đông sự chú ý của lớp trung niên người Hà Nội, nhưng việc những chàng trai, cô gái của thế hệ chuyên lướt web, dạo phố, nghe rap, rock này lại tìm đến các chiếu ca trù của câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, Thái Hà, Thăng Long để xem điểm trống, gõ phách, thì khá lạ lẫm. Song, với những người tâm huyết và đang tìm cách gây dựng lại ca trù thì đây quả là điều đáng mừng, đó chính là những "chất liệu" góp phần giữ "lửa" cho nghệ thuật dân tộc. Như thổ lộ của Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Hà Nội, bà Bạch Vân: "Sau những thăng trầm lịch sử, tháng 10 năm 2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Bây giờ, ca trù lại may mắn được một bộ phận lớp trẻ đón nhận, không còn gì vui hơn. Mới đây, tôi đã nhận dạy ca trù cho bốn em có tuổi đời rất trẻ, trong đó có một nam thanh niên mới ngoài hai mươi học đàn đáy và hai bé gái bốn, năm tuổi muốn trở thành đào nương".