Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Họp báo thông tin về Đại hội XIII của Đảng: Công tác chuẩn bị Văn kiện, nhân sự được tiến hành công phu, bài bản

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 22/1, tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng đã diễn ra cuộc họp báo trước khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chủ trì cuộc họp báo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng; các Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Đắc Vinh và các đồng chí lãnh đạo các Ban Đảng T.Ư, bộ, ngành.
Văn kiện Đại hội được chuẩn bị công phu, bài bản
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được quyết định tổ chức trong 9 ngày, từ ngày 25/1- 2/2/2021. Trong đó, phiên trù bị tổ chức vào ngày 25/1/2021, khai mạc chính thức vào ngày 26/1/2021, dự kiến bế mạc vào sáng 2/2/2021.
 Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng phát biểu tại cuộc họp báo
Đại hội tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của BCH T.Ư Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu BCH T.Ư Đảng khóa XIII.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng thông tin tại cuộc họp báo
Tại cuộc họp báo, thông tin về công tác chuẩn bị Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và những điểm nhấn của các Văn kiện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng- Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện đã nhấn mạnh một số điểm mới mang tính đột phá trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Trong đó cho biết: Việc xây dựng Dự thảo các Văn kiện rất công phu, bài bản, chu đáo; là kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Ông Nguyễn Xuân Thắng khái quát lại quá trình xây dựng và lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Quá trình góp ý Văn kiện được triển khai thực hiện nhiều vòng. Dự thảo Văn kiện có cập nhật tình hình thực tiễn của đất nước, đặc biệt là tình hình trong năm 2020 để thấy rõ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta. Cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch như chống giặc, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng phân tích về hai nội dung cơ bản nhất của Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII. Thứ nhất, Dự thảo Văn kiện lần này tự đánh giá, rút ra bài học, dự báo định hướng và các đột phá phát triển đều nhấn mạnh khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thứ hai, Nhân dân là trung tâm trong sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ toàn diện công cuộc đổi mới. Đồng thời nhấn mạnh, dân là gốc, sức mạnh của nhân dân giữ vai trò quan trọng. Điều này được thể hiện rõ ở các bài học được rút ra từ nhiệm kỳ này. Bài học đầu tiên là tăng cường chỉnh đốn Đảng toàn diện về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác xây dựng Đảng gắn liền với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả rõ rệt đã củng cố niềm tin của Nhân dân. 
Công tác chuẩn bị Đại hội chặt chẽ, sát sao
Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Đắc Vinh thông tin về công tác tham mưu, tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng. Trong đó khẳng định, công tác chuẩn bị Đại hội đã được BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao. Về công tác tổ chức, phục vụ Đại hội XIII, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội đã xây dựng kế hoạch làm việc và triển khai thực hiện khoa học, kỹ lưỡng, chu đáo. Tới nay đã sẵn sàng mọi điều kiện với chất lượng cao nhất để tổ chức Đại hội thành công. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, toàn bộ các đại biểu tham dự Đại hội, khách mời, báo chí đều được xét nghiệm 2 lần. Đồng thời, xây dựng các phương án chi tiết, cụ thể về y tế để đảm bảo cao nhât an toàn sức khỏe cho đại biểu và khách mời dự Đại hội.
 Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Đắc Vinh thông tin tại cuộc họp báo
Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Mai Văn Chính thông tin về tình hình đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, tổng số đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là 1.587 đại biểu, đại diện cho 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII. Bao gồm: 1381 đại biểu chính thức do Đại hội các Đảng bộ trực thuộc T.Ư nhiệm kỳ 2020 - 2025 bầu, 15 đại biểu ngoài nước được Bộ Chính trị chỉ định và 191 đại biểu đương nhiên là các đồng chí Ủy viên chính thức và Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư T.Ư khóa XII. Trong đó, về giới tính có 222 đại biểu nữ (chiếm 13,99%); về dân tộc, có 175 đại biểu là dân tộc thiểu số (chiếm 11,03%); về độ tuổi, có 57 đại biểu dưới 40 tuổi (chiếm 3,59%), 03 đại biểu trên 70 tuổi, độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,18 tuổi, đại biểu cao tuổi nhất là 77 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất là 34 tuổi; có 71 đại biểu là giáo sư, phó giáo sư (chiếm 4,47%); có 1.067 đại biểu có trình độ thạc sỹ, tiến sĩ (chiếm 67,32%); về trình độ lý luận chính trị, có 1.579 đại biểu có trình độ cử nhân, cao cấp (chiếm tỷ lệ  99,49%).
 Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Mai Văn Chính thông tin tại cuộc họp báo
Sẵn sàng ứng phó nhanh với các thông tin xấu, độc trên mạng
Tại cuộc họp báo, trả lời thêm về những điểm mới trong công tác xây dựng Đảng được thể hiện trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng. Trong xây dựng Đảng nhấn mạnh công tác cán bộ là then chốt, gắn với đó là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực tế vừa qua, trong tổng kết, chúng ta tiếp tục nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng toàn diện về mọi mặt, cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác xây dựng Đảng gắn với công tác phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh kiểm tra giám sát, công tác dân vận. “Nói tóm lại, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đó là điểm mới của Đại hội này”- ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về ứng phó với hoạt động chống phá Đại hội Đảng trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, càng gần Đại hội XIII, thông tin sai sự thật, xấu độc tăng lên. Một số tháng gần đây, tăng lên khoảng 50% so với đầu năm 2019.
 Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông trả lời tại cuộc họp báo
Trong hơn 2 năm qua, Bộ Thông tin – Truyền thông thông tin đã xây dựng Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, có năng lực xử lý mạnh. Cụ thể, xử lý cả trăm triệu tin một ngày; đã giám sát, phát hiện, xử lý những thông tin luận điệu sai trái. Vì lượng thông tin quá nhiều nên vấn đề giám sát, phát hiện là quan trọng số một.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc thực hiện đã nghiêm minh hơn, dù nền tảng nào cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Từ năm 2019 các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội đã tuân thủ tốt hơn. Sự phối hợp giữa các lực lượng cũng nhuần nhuyễn hơn từ Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Công an, Quốc phòng, Thông tin – Truyền thông. Trong giai đoạn Đại hội Đảng các cấp, Bộ TT&TT đã xử lý 35.000 tin bài xấu độc. Số lượng tin, bài xấu độc lớn được xử lý làm không gian mạng lành mạnh hơn. Trong thời gian diễn ra Đại hội XIII, các bộ đã có các phương án, ứng trực 24/24, sẵn sàng phản ứng nhanh.
Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội được tiến hành từng bước, thận trọng

Trả lời về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Mai Văn Chính cho biết, công tác nhân sự Đại hội XIII có tầm quan trọng đặc biệt. BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ. BCH T.Ư  đã ban hành các nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đổi mới sắp xếp bộ máy, về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều quy định quan trọng khác. Tổng kết công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược 2016 - 2021, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch về quy hoạch cán bộ, gắn với đào tạo và đã mở 5 lớp đào tạo cán bộ quy hoạch… Công tác chuẩn bị BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất cao. Đồng thời tiến hành khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu; làm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng; làm đến đâu, chắc đến đó. Xử lý hài hòa, hợp lý tiêu chuẩn và cơ cấu, giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường… Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, đảm bảo phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Công tác nhân sự kỳ này làm rất chặt chẽ, qua thẩm định của nhiều cơ quan có liên quan. Kiên quyết không để lọt những người không đủ điều kiện, không xứng đáng vào BCH T.Ư, nhưng cũng không bỏ sót người đủ đức đủ tài. Quy trình công tác nhân sự có điểm mới là tiến hành 5 bước thay vì 3 bước như trước đây. Công tác chuẩn bị nhân sự tham gia BCH T.Ư khóa XIII có số dư từ 10 - 15%. Đại hội có thể đề cử, giới thiệu thêm nhưng không quá 30%.

Trao đổi thêm về công tác nhân sự Đại hội, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng khẳng định, BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị Đại hội XIII bài bản, thận trọng, chặt chẽ, khoa học, dân chủ, làm từng bước, làm đến đâu, chắc đến đó và đạt được sự thống nhất cao trong BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về cách làm, kế thừa những kinh nghiệm quý báu, cách làm hiệu quả của các kỳ Đại hội trước, đồng thời bổ sung thêm một số biện pháp cho phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay. Lần này, T.Ư chuẩn bị cho các nhóm đối tượng rất chặt chẽ. Đối với Ủy viên BCH T.Ư làm trước; tái cử làm trước; ứng cử lần đầu làm sau. Sau đó mới tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng tái cử làm trước, ứng cử lần đầu làm sau. Rồi tới lãnh đạo chủ chốt, có trường hợp đặc biệt… Sau đó là với những trường hợp đặc biệt về độ tuổi ứng cử vào BCH T.Ư.