Vật liệu phố biến trong xây dựng
Anh Hoàng Văn Sơn, ngõ 142 Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh vừa hoàn thiện nội thất căn nhà để đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Đáng chú ý, hầu hết vật liệu nội thất đều được sử dụng hợp kim nhôm từ hệ thống cửa chính, cửa sổ, trần nhà, tủ bếp, bàn ăn...
“Tôi lựa chọn vật liệu hợp kim nhôm vì ưa chuộng tính đang năng chịu lực, cách âm tốt, tải trọng nhẹ, quá trình sử dụng ít chịu sự tác động của thời tiết như cong, vênh. Ngoài ra, với những thiết kế hiện nay, nội thất bằng hợp kim nhôm lắp đặt dễ dàng, giá thành vừa phải nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cho công trình” - anh Hoàng Văn Sơn nói.
Hợp kim nhôm đóng vai trò quan trọng trong đời sống, việc sử dụng nhôm hiện nay có thể đã vượt qua những kim loại khác. Chính vì vậy, quá trình phát triển kinh tế nhôm không thể thay thế và được sử dụng rất nhiều cho những kiến trúc nội, ngoại thất ở công trình xây dựng, công trình kiến trúc gia đình, văn phòng.
Nhôm được sử dụng phổ biến thứ hai trong xây dựng sau thép, loại vật liệu mới này có thể sử dụng lắp đặt kết cấu nhà nhịp lớn, giàn mái công trình thể thao, công trình công cộng, kết cấu bao che… Bởi nhôm có ưu điểm nhẹ, đặc biệt là khả năng chống lại tác dụng ăn mòn cao hơn so với thép.
Đặc biệt, nhôm phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Khối lượng riêng nhỏ bằng 1/3 so với thép, trọng lượng kết cấu hợp kim nhôm nhẹ hơn kết cấu thép từ 2,5 - 3 lần. Dễ dàng gia công trên máy móc hay đúc, có khả năng chống ăn mòn, bền vững do lớp ôxít bảo vệ, không nhiễm từ, cháy khi để ngoài không khí ở điều kiện thông thường.
Sản phẩm nhôm của doanh nghiệp sản xuất trong nước tuân thủ việc sử dụng nguyên liệu đầu, quy trình kiểm định nghiêm ngặt để có sản phẩm tốt nhất thì lại bị cạnh tranh bởi những sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng, nhưng nhà sản xuất “phù phép” trở nên bóng bẩy, bắt mắt. Chất lượng nguyên liệu thấp cùng tiêu chuẩn kỹ thuật bị chỉnh sửa phù hợp với nhu cầu giá rẻ, kết hợp việc mở biên độ lợi nhuận cao cho trung gian phân phối là chiêu bài được thực hiện bởi các hãng nhôm nước ngoài - Giám đốc Công ty Betonlab Việt Nam Đỗ Văn Hải.
Hơn thế, nhôm là công cụ cho sự sáng tạo không giới hạn cho kiến trúc sư xây dựng, nhờ khả năng dễ định hình nhưng vẫn đảm bảo kết cấu - điều mà vật liệu khác như gỗ, thép, nhựa không thể làm được. Ngoài ra, nhôm có thể tái chế, giúp giảm đáng kể phát thải CO2, vì thế, nhôm sẽ ngày càng phổ biến hơn trong những công trình xây dựng.
Cần xây dựng lộ trình ứng dụng
Tuy nhôm mang nhiều ưu điểm, nhưng tại Việt Nam, việc tính toán chế tạo các kết cấu chịu lực trong xây dựng chưa được phổ biến. Một số cơ sở, nhà máy cơ khí chủ yếu chỉ sản xuất hệ thống khung, cửa nhôm kính, tấm ốp trần, tường... dùng để trang trí.
Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Linh - Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp (trường Đại học Xây dựng), tại Việt Nam, những năm gần đây đã nghiên cứu, sử dụng vật liệu mới này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một lộ trình đầy đủ, cụ thể về hợp kim nhôm; đa phần tài liệu, quy chuẩn mới chỉ tập trung vào thi công, chất lượng sản phẩm, việc tính toán kết cấu nhôm, hợp kim nhôm... chưa có tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn dẫn đến khó khăn khi tính toán loại kết cấu này trong xây dựng.
So với nhiều loại vật liệu khác, nhôm có mức độ bền cơ học rất cao, khả năng chống ăn mòn, chi phí bảo trì gần như bằng không nên được sử dụng rộng rãi. Kiến trúc hiện đại đã được biến đổi trong những năm qua do quá trình công nghiệp hóa nhiều vật liệu, kim loại, kỹ thuật xây dựng, trong đó có nhôm để đáp ứng với những chi tiết phức tạp, mở đường cho các thiết kế kiến trúc kiểu dáng đẹp, tối giản - KS Nguyễn Đức Minh - Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
"Trên thế giới, các nước châu Âu, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga... đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn, tài liệu nghiên cứu về kết cấu hợp kim nhôm này. Nhiều nước châu Âu ban hành Eurocode 9 “tính toán kết cấu nhôm” về quy tắc chung, tính toán kết cấu chịu lửa, tính mỏi kết cấu hợp kim nhôm, kết cấu tạo hình nguội dạng tấm, kết cấu dạng vỏ. Vì vậy, Việt Nam cần phải xây dựng lộ trình cụ thể cho quá trình sản xuất, sử dụng" - PGS. TS Nguyễn Ngọc Linh cho hay.
Theo đánh giá, nhôm xây dựng có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên nếu không tìm được tiếng nói chung về vấn đề chất lượng sản phẩm cũng như tạo ra thị trường phát triển ổn định, xây dựng thương hiệu sản phẩm thì nhà sản xuất trong nước sẽ tự đánh mất thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
“Để ngành nhôm phát triển bền vững, Hiệp hội sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tham gia xây dựng các bộ tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng chính sách về thuế, hải quan, thương mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế… Từ đó tạo ra một sân chơi bình đẳng, hướng tới một thị trường nhôm cạnh tranh lành mạnh, ổn định, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng” - đại diện Hiệp hội Nhôm thanh định hình cho hay.