Hợp sức bảo vệ nguồn cá đồng Cà Mau

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cà Mau là địa danh nổi tiếng với nguồn cá đồng từ hàng trăm năm qua. Thế nhưng, tình trạng biến đổi khí hậu, chuyển dịch nuôi trồng và khai thác kiểu tận diệt của người dân nơi đây đang làm cho nguồn cá đồng ngày càng cạn kiệt.

Nguồn cá đồng ở Cà Mau đang được đưa vào diện cảnh báo cạn kiệt. Ảnh minh họa.
Nguồn cá đồng ở Cà Mau đang được đưa vào diện cảnh báo cạn kiệt. Ảnh minh họa.

Đã không nhiều như trước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, Cà Mau hiện có hơn 23.000 ha mặt nước nuôi cá đồng các loại. Trong đó có 495 hộ nuôi cá bổi thâm canh với diện tích trên 143 ha, diện tích còn lại nuôi cá đồng kết hợp trồng lúa, trồng rừng truyền thống.

Tuy nhiên, trữ lượng các loại thuỷ sản đã giảm mạnh qua các năm gần đây, dẫn đến sản lượng cá đồng hàng năm của tỉnh ngày càng giảm dần theo từng năm do hạn hán, xâm mặn, khai thác quá mức... Trong đó, việc khai thác thiếu ý thức của một số hộ dân vào đầu mùa mưa như hiện nay đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản (NLTS) vùng ngọt, khi  đây là thời điểm này nhiều loại cá đồng bắt đầu sinh sản.

Theo kinh nghiệm của nông dân Cà Mau, nếu năm nào nước lớn (mưa nhiều) thì 1 tấn cá non thả ra, sau 1 năm có thể cho thu hoạch gần 100 tấn cá thương phẩm.

Nên từ xưa, người dân đã có thói quen bảo vệ nguồn cá non ngay từ đầu mùa mưa để các loài cá nước ngọt sinh sản tăng trưởng, hoặc giữ lại cá non khi tát, chụp đìa vào cuối năm để tái tạo nguồn giống cho mùa sau. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển các loài thuỷ sản đang là vấn đề cấp bách được các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Người dân thả cá giống tái tạo nguồn cá đồng tại huyện U Minh năm 2024 (Hoàng Nam)
Người dân thả cá giống tái tạo nguồn cá đồng tại huyện U Minh năm 2024 (Hoàng Nam)

Là địa phương có nguồn lợi cá đồng thuộc top đầu của tỉnh, huyện U Minh có hàng chục ngàn ha mặt nước có trữ lượng cá đồng lớn đã xác định đây là nguồn lợi kinh tế quan trọng.

Vì vậy, hàng năm đã cùng chính quyền các xã, ban quản lý các chợ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương không buôn bán các loại cá non. Kịp thời xử lý nghiêm những hành vi sử dụng các loại dụng cụ cấm đánh bắt cá, khai thác cá non, cá bố mẹ đang trong thời kỳ sinh sản.

“Thường vào mùa mưa thì việc khai thác cá non của người dân lại xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này đã giảm đáng kể. Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ và phát triển NLTS trên biển và cả trong nội đồng” - bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh cho biết.

Các ngành, địa phương cùng vào cuộc

Xác định bảo vệ nguồn lợi cá đồng chính là gìn giữ một thương hiệu đặc sản vốn có của Cà Mau. Nên thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và tái tạo NLTS luôn được tỉnh quan tâm thực hiện.

Trong từng giai đoạn, nhiệm vụ trên luôn được Tỉnh ủy Cà Mau đặt ra cụ thể, gần nhất là Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (Chỉ thị 17) về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác NLTS có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nên đã mang lại hiệu ứng tích cực.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Chi cục Kiểm ngư đã tổ chức 703 cuộc hội, họp, tập huấn,… tuyên truyền cho 31.768 lượt người dân đã góp phần nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân có ý thức bảo vệ NLTS.

Qua đó, đã vận động được 18.024 hộ dân ký cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác NLTS. Người dân đã tự giác giao nộp 422 bộ dụng cụ kích điện mang tính khai thác huỷ diệt NLTS.

Các đơn vị, địa phương còn tuần tra, kiểm soát, tịch thu tiêu huỷ 141 dụng cụ kích điện trên các địa bàn.

Chích điện là hình thức đánh cá tận diệt nguồn lợi thủy sản (ảnh minh họa)
Chích điện là hình thức đánh cá tận diệt nguồn lợi thủy sản (ảnh minh họa)

Đáng chú ý, các xã phường trên địa bàn tỉnh đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về khai thác NLTS mang tính huỷ diệt, tận diệt trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND cấp huyện đã chỉ đạo thành lập nhóm Zalo (gồm lãnh đạo UBND huyện, các ngành, đơn vị thuộc huyện có liên quan); nhóm lãnh đạo UBND và trưởng công an các xã, thị trấn). Thông qua các nhóm này đã để kịp thời chỉ đạo, báo cáo, thông tin các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ đạo của tỉnh về bảo vệ NLTS.

Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, anh Khải, cán bộ Công an xã Khánh An huyện U Minh cho biết, tình trạng dùng dụng cụ tận diệt để đánh bắt cá đồng hiện nay hầu như còn nữa. Nhiều năm nay người dân đã có ý thức cao trong việc bảo vệ NLTS. Mỗi khi phát hiện có người dùng chích điện bắt cá, người dân lập tức gọi ngay cho công an xã đến xử lý.