Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác công tư, nâng tầm du lịch Việt

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Những kết quả tích cực của ngành du lịch cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ quan chức năng là rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng bền vững và quản lý điểm đến. Điều này cũng nâng cao vị thế của Việt Nam như một điểm đến toàn cầu.

Công tư bắt tay, gia tăng nguồn lực phát triển du lịch

Ngày 31/10, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Traveloka phối hợp tổ chức Hội thảo “Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch” và ký biên bản hợp tác. Tại đây, các cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp, chuyên gia đã thảo luận về vấn đề hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch, kinh nghiệm quản lý và phát triển điểm đến du lịch, sử dụng các nền tảng thúc đẩy du lịch Việt.

Traveloka phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đồng hành trong các hoạt động quản lý điểm đến, chuyển đổi số du lịch
Traveloka phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đồng hành trong các hoạt động quản lý điểm đến, chuyển đổi số du lịch

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, năm 2023, ngành du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 9/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,9 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt hơn 93,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, tìm giải pháp đối với vấn đề phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu điểm đến tại các địa phương nói riêng và ngành du lịch Việt Nam rất cấp thiết. “Quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên là những vấn đề được Chính phủ quan tâm trong những năm gần đây. Đặc biệt thu hút sự tham gia của các bên, đẩy mạnh hợp tác công tư, nâng cao nhận thức, bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch mỗi địa phương và quốc gia”- ông Siêu thông tin.

Thực tế, với sự quan tâm của Chính phủ và sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, hình ảnh du lịch Việt Nam đang dần trở nên hấp dẫn và thân thiện hơn với khách du lịch. Vị thế du lịch Việt Nam ngày càng in đậm trên bản đồ du lịch thế giới. Ngoài các điểm đến đã khẳng định thương hiệu như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long… thì các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ. Thành phố bên sông Hàn nổi tiếng thế giới với ngôi vị “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” gắn với Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Hội An được trao tặng danh hiệu “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019”. Quảng Ninh đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước với sự xuất hiện của những dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Huyền Anh - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế theo hình thức đối tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đã đã huy động được nguồn lực lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách, với các công trình điển hình như: Cầu Bạch Đằng; đường cao tốc HạLong -Vân Đồn -Móng Cái; đường cao tốc Tiên Yên -Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Tuần Châu, cảng tàu chuyên biệt dùng để đón các tàu biển du lịch đầu tiên tại Việt Nam; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng khách quốc tế Ao Tiên .... Còn từ nguồn ngân sách, tỉnh cũng xây dựng được hạ tầng thiết chế văn hóa đặc sắc như: cụm công trình Bảo tàng -Thư viện tỉnh, Cung quy hoạch hội chợ và triển lãm tỉnh, cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ -Móng Cái, đường bao biển Trần Quốc nghiễn, bãi tắm Hạ Long...

Thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng ngành du lịch

Để nâng cao hiệu quả hợp tác công tư trong phát triển điểm đến du lịch nói riêng và xây dựng ngành du lịch vươn tầm, chuyển đổi số góp phần quan trọng. Thời gian qua, nền tảng Traveloka đã phối hợp chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đồng hành, hợp tác với du lịch Việt Nam trong các hoạt động quản lý điểm đến, xúc tiến quảng bá điểm đến, truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số,…

Cam kết này được thể hiện bằng Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2026 được ký kết giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Traveloka. Biên bản ghi nhớ đánh dấu bước đi đầu tiên nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách trong nước và quốc tế tại Việt Nam, đồng thời quảng bá các điểm đến du lịch địa phương tới du khách trong nước và các thị trường trọng điểm ở nước ngoài, đặc biệt là ở Đông Nam Á và xa hơn nữa. Thông qua mối quan hệ đối tác được tăng cường này, Traveloka hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số, và du lịch bền vững, thông qua chia sẻ kiến thức và các dự án hợp tác khác, đồng thời trở thành đối tác tin cậy lâu dài của Việt Nam.

“Thấu hiểu vai trò then chốt của chuyển đổi số nhằm nâng cao quản lý và phát triển du lịch bền vững, chúng tôi rất vinh dự được triển khai quan hệ đối tác chiến lược này với Cục Du lịch. Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, và có cơ hội nổi bật như một quốc gia dẫn đầu về tiến bộ kỹ thuật số trong khu vực Đông Nam Á. Thông qua việc cung cấp hàng loạt tính năng toàn diện trên cùng một nền tảng du lịch, chúng tôi mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa các quy trình du lịch. Nỗ lực hợp tác này sẽ phục vụ cho nhu cầu du lịch ngày càng tăng tại các điểm nóng du lịch của Việt Nam, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của các đối tác và doanh nghiệp địa phương”- ông Albert, đồng sáng lập Traveloka cho biết.