Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác địa phương Việt - Pháp: Giải quyết hiệu quả các thách thức môi trường

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các địa phương Việt Nam mong được học tập kinh nghiệm và hợp tác với các địa phương Pháp để không chỉ giải quyết hiệu quả các thách thức môi trường của từng địa phương riêng lẻ, mà còn cùng nhau phối hợp để đảm bảo các yêu cầu về môi trường cho toàn khu vực...

Trong khuôn khổ và bên lề Hội thảo chuyên đề “Môi trường, nước và xử lý nước” diễn ra tại Hà Nội, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã ghi lại các ý kiến mong muốn xây dựng các địa phương thành nơi đáng sống, bền vững hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường: Pháp là đối tác tin cậy trong nỗ lực phát triển bền vững

Công cuộc bảo vệ môi trường của các địa phương Việt Nam không chỉ dựa trên nội lực mà còn cần đến những kinh nghiệm và hợp tác từ bạn bè quốc tế. Với thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ môi trường hiện đại, các địa phương Pháp, các nhà đầu tư Pháp luôn được xem là các đối tác tin cậy của các địa phương Việt Nam trong nỗ lực phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường

Tôi hy vọng qua Hội thảo chuyên đề “Môi trường, nước và xử lý nước”, các địa phương Việt Nam và Pháp đã có cơ hội bày tỏ những nhận định, đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm về các dự án hợp tác của địa phương mình, từ đó giúp các địa phương hướng tới hợp tác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững.  

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tăng cường liên kết vùng trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những giải pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên. Tôi được biết trong quản lý địa phương của Pháp, ngoài các đơn vị hành chính chính thức, nước bạn có mô hình của các cộng đồng đô thị (Metropole), mà chúng tôi hiểu là các liên kết vùng để thuận lợi cho việc hoạch định và triển khai các chính sách về đô thị, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường.

Đây là mô hình mà các địa phương Việt Nam mong được học tập kinh nghiệm và hợp tác với các địa phương Pháp để không chỉ giải quyết hiệu quả các thách thức môi trường của từng địa phương riêng lẻ, mà còn cùng nhau phối hợp để đảm bảo các yêu cầu về môi trường cho toàn khu vực.

Ông Daniel Matergia - Chủ tịch Nghiệp đoàn SEAFF (Pháp): Chúng tôi hợp tác, lắp đặt hàng chục nhà vệ sinh cho các trường học

Tại Việt Nam, mục tiêu của chúng tôi là hợp tác, làm việc với tỉnh Bình Định. Chúng tôi đã có một số chương trình hợp tác, bao gồm cả hợp tác về vấn đề vệ sinh môi trường, nhằm thu gom nước thải từ khu dân cư của thị xã An Nhơn và đưa đến trạm xử lý, làm sạch trước khi đưa trở lại sông.

Ông Daniel Matergia - Chủ tịch Nghiệp đoàn SEAFF (Pháp) trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị
Ông Daniel Matergia - Chủ tịch Nghiệp đoàn SEAFF (Pháp) trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị

Vì vậy, chúng tôi đã có một dự án lắp đặt hàng chục nhà vệ sinh cho các trường học; đã trang bị cho 6 trường học tại thị xã An Nhơn. Đồng thời, tổ chức các cuộc gặp gỡ trao đổi nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hướng dẫn mọi người cách sử dụng các nhà vệ sinh này. Nếu dự án khởi điểm của chúng tôi thành công, bước tiếp theo chúng tôi sẽ xây dựng một dự án với khoản kinh phí đầu tư từ 20 đến 30 triệu Euro.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có các hoạt động đào tạo chéo, nghĩa là các nhóm của chúng tôi và của ở Việt Nam tham gia vào quá trình tự đào tạo. Chúng tôi cũng đã đón các đoàn Việt Nam sang Pháp để đào tạo về quản lý nguồn nước.

Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ Phạm Nam Huân: Khởi động các dự án hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên

Công tác bảo vệ môi trường luôn được TP Cần Thơ quan tâm, trong đó chúng tôi chú trọng thu gom, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ cũng chú trọng tới ứng phó với biến đổi khí hậu để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Trải qua một thời gian, thành phố bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn tồn tại những hạn chế về ô nhiễm môi trường và đặc biệt Cần Thơ nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ Phạm Nam Huân 
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ Phạm Nam Huân 

Vì vậy, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện việc bảo vệ môi trường, trong đó thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của đô thị; thu gom, xử lý chất thải công nghiệp và xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại. Bên cạnh đó, TP kêu gọi hợp tác thực hiện các dự án quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu và đặc biệt chú trọng tới việc phối hợp, tham gia hợp tác giữa chính quyền địa phương của hai quốc gia Việt - Pháp trong công tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

Đối với giải pháp cụ thể, Cần Thơ tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, thanh kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi ô nhiễm về môi trường để đảm bảo tính răn đe, tránh tái phạm trong thời gian tới. Đối với định hướng phối hợp giữa các địa phương Việt – Pháp, Cần Thơ cũng chú trọng tới hai nhóm vấn đề.

Thứ nhất, về lĩnh vực biến đổi khí hậu, giữa 2 địa phương phải hiện thực hóa Thỏa thuận Paris: Triển khai các dự án hợp tác hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực xử lý rác, phát triển đô thị, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, thực hiện mục tiêu “net zero”: hợp tác liên địa phương thực hiện mô hình/sáng kiến phát thải ròng bằng không, như: mô hình công viên sinh thái không phát thải, khu công nghiệp sinh thái “net zero”…

Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ Phạm Nam Huân trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ Phạm Nam Huân trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị

Thứ hai, về lĩnh vực bảo vệ môi trường, 2 bên khởi động các dự án hợp tác, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. TP Cần Thơ rất quan tâm thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án về xử lý chất thải, tái chế nhựa, năng lượng sạch; mong muốn tìm hiểu các mô hình, sáng kiến thành công về phân loại, tái chế rác thải của Pháp.

Để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn, có thể bắt đầu hợp tác xây dựng các chương trình, dự án cụ thể, thiết thực và triển khai thực hiện. Chính quyền cần thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi để thảo luận hình thành các hoạt động hợp tác, hỗ trợ cụ thể trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và  ứng phó biến đổi khí hậu.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái: Hà Nội tăng cường quản lý về chất thải rắn

Hiện nay, rác thải nhựa đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng. Ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa từ hoạt động sinh hoạt của con người cũng là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm - khi mà Việt Nam hiện xếp thứ 4  trong 5 quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhất thế giới, theo sau Trung Quốc, Indonesia và Phillippines.

Tuy nhiên, hiện tại ở Hà Nội, chất thải nhựa trong sinh hoạt vẫn chưa được thu gom và xử lí riêng và phần lớn bị lẫn với chất thải rắn sinh hoạt để đưa lên xử lý tại bãi chôn lấp. Việc chôn lấp và xử lí chung gây nhiều khó khăn cho công tác xử lí rác, ảnh hưởng tới quá trình phân hủy rác, hòa tan các hạt vi nhựa và nước rỉ rác và lãng phí tài nguyên.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái trình bày tham luận “Quản lý chất thải nhựa tại TP Hà Nội” tại Hội thảo chuyên đề “Môi trường, nước và xử lý nước” 
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái trình bày tham luận “Quản lý chất thải nhựa tại TP Hà Nội” tại Hội thảo chuyên đề “Môi trường, nước và xử lý nước” 

Cùng đó, chất thải nhựa nằm lại tại khu xử lí chủ yếu là túi nilon. Do thói quen tiêu dùng của người Việt, chất thải là túi nilon chiếm thành phần khá lớn trong thành phần nhựa thải. Các túi nilon này nhỏ, mỏng, ít có giá trị đối với người thu gom, tái chế nên tồn tại khá nhiều trong các bãi chôn lấp và hầu như không bị phân hủy.

Ngoài ra, công tác tái chế chất thải nhựa trên địa bàn Hà Nội hoạt động theo hình thức tự phát, tự hình thành các làng nghề, công nghệ lạc hậu, phần lớn chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.

Để giảm thiểu rác thải nhựa tại Hà Nội, chính quyền phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt; doanh nghiệp tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường và người dân nâng cao ý thức trách nhiệm. Cụ thể, cần thiết lập hệ thống quản lý phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố; tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải thúc đẩy hoạt động tiết kiệm tài nguyên, tuần hoàn vật chất; cải tiến kỹ thuật công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo tiêu chí sạch - kín - giải phóng rác nhanh, đồng bộ công nghệ thu gom cùng công nghệ xử lý; nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn tại Hà Nội, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, giảm chi ngân sách theo mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Hà Nội đã có các quy định trong giảm thiểu chất thải nhựa như Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP Hà Nội về phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; yêu cầu giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố…

Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện, ban hành quy định về kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, các chính sách ưu đãi về tài chính đối với lĩnh vực thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện và ban hành kế hoạch chuẩn bị nguồn lực, tài chính, thể chế chính sách cấp thiết để thực hiện phân loại rác tại nguồn; Tăng cường quản lý nhà nước về chất thải rắn…