Hợp tác du lịch Hà Nội - Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết chặt chẽ để tăng hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hà Nội sẽ liên kết chặt chẽ với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để phát triển du lịch hiệu quả hơn nữa” là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị “Hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đẩy mạnh liên kết

ĐBSCL có hệ thống tài nguyên du lịch tương đối phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Đồng thời, là nơi giao thoa, hòa trộn các nền văn hóa dân tộc của người Kinh, Khmer, Chăm nên đã sớm hình thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc và giá trị. Năm 2015, toàn vùng đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế và hơn 18 triệu lượt khách nội địa, doanh thu ước đạt 8,6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do lượng khách đi trong ngày lớn nên hiệu quả tổng thu từ khách du lịch của vùng thấp nhất so với các vùng khác và chỉ chiếm khoảng 3% tổng thu từ ngành du lịch của cả nước. “Do đó, việc ĐBSCL đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến du lịch với các tỉnh, TP, trong nước và quốc tế, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội là vô cùng cần thiết và cấp bách” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định.
Khách tìm đặt tour du lịch ĐBSCL tại Hội chợ Du lịch 2016 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Khách tìm đặt tour du lịch ĐBSCL tại Hội chợ Du lịch 2016 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Với tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương trên cả nước, trong đó có ĐBSCL. Hai bên đã ký 6 biên bản ghi nhớ quan trọng để tiêu thụ sản phẩm làng nghề của Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung - cầu hai chiều giữa Hà Nội và ĐBSCL, đưa hàng hóa ĐBSCL vào tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Riêng lĩnh vực du lịch, từ năm 2011 - 2015, Hà Nội đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với TP Cần Thơ và An Giang; phối hợp tổ chức 5 đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm, hợp tác kết nối tour, tuyến từ TP Hà Nội vào vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, Hà Nội đã tham gia nhiều hội chợ thương mại, du lịch tại một số địa phương trong khu vực như Cần Thơ, An Giang…; Tuần lễ du lịch xanh ĐBSCL và khảo sát các tỉnh Cần Thơ – An Giang – Đồng Tháp. Ngược lại, ĐBSCL cũng tham gia các hội chợ thường niên của TP Hà Nội như: Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Liên hoan du lịch làng nghề…. Việc hợp tác đã phát huy hiệu quả với hàng chục ngàn lượt khách từ Hà Nội đến vùng ĐBSCL mỗi năm. Để phát huy những thành công đó và tiếp tục thực hiện vai trò “đầu tàu” của cả nước, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Bên cạnh các hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại, tới đây, Hà Nội sẽ liên kết chặt chẽ với ĐBSCL để phát triển du lịch hiệu quả hơn nữa”.

Khai thác thế mạnh

Minh chứng là ngay tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã ký Thỏa thuận chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TP Hà Nội. Trong đó, về lĩnh vực xúc tiến du lịch, hai bên thống nhất hợp tác xây dựng các chương trình nhằm khai thác các tuyến du lịch quốc gia liên vùng và nội vùng mà hai bên có thế mạnh. Các địa phương ĐBSCL tích cực liên kết với Hà Nội trong công tác xây dựng các chương trình du lịch phong phú, đa dạng để giới thiệu cho du khách. Đặc biệt, hai bên sẽ tổ chức các đoàn khảo sát; liên kết trang web du lịch; hợp tác sản xuất một số ấn phẩm tuyên truyền chung cho du lịch Hà Nội và các tỉnh, TP vùng ĐBSCL nhằm tăng cường hoạt động quảng bá. Đặc biệt, Hà Nội sẽ hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL trong việc quảng bá, xúc tiến; đào tạo nguồn nhân lực quản lý và phục vụ du lịch.

Để ĐBSCL ngày càng hút khách Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trong thời gian tới, ông Siêu cho rằng, ngoài việc nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thống như: Trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa…, ĐBSCL cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. “Tuyến du lịch đường sông Mekong gồm: Seam Reap – Phnompenh – ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh cũng có thể là một sản phẩm hấp dẫn đối với du khách Thủ đô” - ông Siêu gợi ý.

Với quyết tâm của hai bên, tin rằng, lượng khách qua lại giữa Hà Nội và ĐBSCL sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.