Hợp tác liên kết vùng - cơ hội Thủ đô bứt phá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hợp tác vùng hay nói chính xác hơn là hợp tác, liên kết vùng dựa trên cơ sở phân công lao động và khai thác các lợi thế là tiền đề nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển vùng nói chung và đầu tư công nói riêng.

Hiện nay, hợp tác, liên kết phát triển vùng là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế thị trường với các mạng sản được xuất bố trí theo không gian lãnh thổ, để tạo nên những cực tăng trưởng và sự phát triển cho vùng cũng như cả nước.
 Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Thủ đô Hà Nội được xác định là trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế và giao lưu quốc tế lớn của cả nước, do đó yêu cầu về hợp tác liên kết đặt trong khung cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các lĩnh vực khác (dịch vụ - du lịch, thương mại…), hợp tác vùng Thủ đô trong công nghiệp còn khá mờ nhạt, chủ yếu chỉ là các hoạt động đơn lẻ và tự phát từ phía doanh nghiệp, do sự thúc ép từ nhu cầu bức xúc của thực tiễn sản xuất kinh doanh, của yêu cầu tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường, tiêu thụ giải phóng hàng tồn kho.... Điều này dẫn tới các hệ quả nghiêm trọng về lâu dài như: Nền kinh tế Thủ đô và của các địa phương có ít liên hệ tương tác lẫn nhau; Hoạt động đầu tư phát triển mang tính dàn trải, thậm chí trùng lắp do thiếu sự liên kết, hỗ trợ nhau, gây lãng phí về nguồn lực và cạnh tranh thiếu lành mạnh; Thiếu doanh nghiệp mạnh đầu đàn, thiếu ngành công nghiệp mũi nhọn có tính dẫn đường và lan tỏa, thiếu sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị phần và có hàm lượng giá trị gia tăng cao; Cơ cấu công nghiệp Thủ đô chậm chuyển dịch…

Từ đó, có thể đưa ra một số giải pháp tăng cường hợp tác, liên kết vùng Thủ đô giai đoạn tới năm 2020 tầm nhìn 2030 như sau.
Hội nghị xúc tiến đầu tư TP Hà Nội năm 2015. Ảnh: Trần Hải
Hội nghị xúc tiến đầu tư TP Hà Nội năm 2015. Ảnh: Trần Hải
Thứ nhất, xây dựng hoàn thiện căn cứ pháp lý, thể chế cho hợp tác liên kết vùng Thủ đô. Trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô của Thủ tướng Chính phủ năm 2008 đã ghi: “Mục tiêu phát triển: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của vùng Thủ đô Hà Nội nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội có đủ chức năng và vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và châu Á…”, “Tầm nhìn đến năm 2050: Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững. Đồng thời là trung tâm chính trị, văn hoá - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước.”

Trên cơ sở quy hoạch đó, Hà Nội cần rà soát lại phương hướng phát triển và phương án tổ chức không gian dài hạn cũng như cần tham khảo định hướng phát triển của vùng lớn và định hướng phát triển của các tỉnh bạn. Hà Nội cũng có thể chủ động đề xuất thành lập Hội đồng chỉ đạo hợp tác vùng và sau đó tiến tới thành lập Ban hợp tác vùng Thủ đô.  

Thứ hai, áp dụng tư duy mạng và cụm ngành sản xuất trong hoạch định chính sách, cơ chế hợp tác liên kết vùng và thu hút FDI vào vùng Thủ đô. Mạng sản xuất là một hiện tượng điển hình của tiến trình toàn cầu hóa và nó có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình phát triển công nghiệp của tất cả các nước phát triển và chậm phát triển.  Theo đó, cần định vị vị trí của mình trong phân công lao động quốc tế và hiểu rõ mình có thể làm gì trong chuỗi các mắt xích sản xuất trong phạm vi khu vực và toàn cầu, từ đó đưa ra các chính sách thúc đẩy sự phát triển của công đoạn mà ngành công nghiệp của quốc gia mình có khả năng phát triển hay có lợi thế.
Ðường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.  Ảnh: Việt Hà
Ðường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Việt Hà
Trên phương diện này, chiến lược phát triển của các ngành công nghiệp và hợp tác liên kết công nghiệp của Việt Nam và Hà Nội hiện nay cần phải xác định rõ các công ty xuyên quốc gia sẽ đảm đương vị trí nào, các công ty đầu tư nước ngoài ở vị trí nào, các công ty trong nước đảm trách ở phần nào, và đặc biệt là mối tương tác giữa các loại hình doanh nghiệp này. Theo đó, sự độc lập và sức mạnh của nền kinh tế chỉ có được nếu Việt Nam thực sự hội nhập tốt vào mạng sản xuất quốc tế, mà không bị gạt sang bên lề hay cô lập, và do đó không thể phát triển trong thời đại toàn cầu hóa.  

Thứ ba, thực hiện quy hoạch theo không gian lãnh thổ và xác định chức năng, nội dung hợp tác liên kết Vùng Thủ đô gắn với các không gian lãnh thổ một cách thiết thực, hợp lý.

Trên thực tế, Hà Nội có sức lan tỏa và thu hút rất lớn và rất xa đối với các vùng lãnh thổ xung quanh, đặc biệt là các vùng lãnh thổ gần Hà Nội. Vì vậy, liên kết kinh tế vùng giữa Thủ đô với các địa phương là yếu tố quan trọng sau khi đã xác định pháp lý vùng Thủ đô. Việc hợp tác liên kết kinh tế giữa Hà Nội với các địa phương trong phạm vi không gian gần (vành đai thứ nhất) cần được xem xét với các hướng cụ thể bao gồm: Liên kết trong lĩnh vực đào tạo đại học, lĩnh vực chăm sóc y tế, lĩnh vực du lịch và thương mại, lĩnh vực sản xuất nông sản – thực phẩm sạch…

Thứ tư, tập trung phát triển một số cụm ngành công nghiệp lợi thế của Vùng, được coi như điểm nhấn đột phá cho hợp tác liên kết Vùng Thủ đô. Theo đó, Hà Nội nên tập trung phát triển các ngành công nghiệp hạ tầng và hình thành những khu vực làm chức năng công nghiệp vệ tinh cho Hà Nội, tạo ra một không gian công nghiệp hợp lý trên phạm vi vùng kinh tế lớn. Chẳng hạn, nổi bật là khu vực Vĩnh Phúc tập trung công nghiệp máy tính và phụ kiện, thiết bị quang học và linh kiện, lắp ráp ô tô. Bắc Ninh có thể là khu vực tập trung công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị nghe nhìn, thiết bị y tế, thực phẩm, nước giải khát. Hải Dương là khu vực tập trung công nghiệp cơ khí nông nghiệp và lắp ráp ôtô. Hưng Yên tập trung công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng, sản xuất điện, may mặc…

Điều quan trọng, cần thực hiện cấu trúc lại các khu, cụm, điểm công nghiệp (cũ) theo mô hình các cụm công nghiệp làng nghề theo hướng gắn với công tác nghiên cứu và phát triển thị trường, hoạt động đổi mới công nghệ, cơ giới hóa các công đoạn sản xuất; đẩy mạnh khai thác hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực địa phương; Hoàn thiện các thể chế điều tiết, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh…

Hợp tác liên kết vùng và phát triển không gian công nghiệp thực sự đang là một xu thế mới trong tổ chức và phân công lao động quốc tế dưới tác động của tiến trình hội nhập và cách mạng khoa học công nghệ trong thế kỷ XXI mà chúng ta cần bắt kịp để một lần nữa không bỏ lỡ cơ hội phát triển.  Nó giúp Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng tạo dựng ngành công nghiệp hạ tầng và gắn kết các doanh nghiệp sản xuất nội địa với doanh nghiệp nước ngoài, nâng cấp công nghệ, tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu một cách nhanh chóng và hiện đại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần