Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa: nâng cao vị thế đất nước

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, việc lựa chọn phát huy sức mạnh mềm văn hóa nhằm gia tăng sức hấp dẫn, thu hút, thuyết phục trong quan hệ quốc tế của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, cơ hội này cũng bao gồm cả thách thức, trong đó có nguy cơ bị “xâm lăng” văn hóa.

Hợp tác đa phương trong lĩnh vực văn hóa

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch. Trong khuôn khổ UNESCO, Bộ VHTT&DL đã thực hiện hiệu quả 4 Công ước về văn hóa, 1 Công ước về thể thao và đóng góp hiệu quả tại các cơ chế, diễn đàn lớn của UNESCO.

Việt Nam đã nhiều lần được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, bầu đảm nhiệm các vị trí công tác đòi hỏi chuyên môn sâu. Trong giai đoạn hiện nay, lần đầu tiên, Việt Nam đồng thời đảm nhiệm vai trò, vị trí tại 5 cơ chế quan trọng của UNESCO, thể hiện sự ghi nhận của quốc tế về vai trò, vị thế của Việt Nam. Qua đó góp phần bảo vệ được lợi ích quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Lễ khai mạc SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn
Lễ khai mạc SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn

Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Thị Phương Hòa, tính đến năm 2023, Việt Nam đã đệ trình thành công UNESCO công nhận hơn 60 danh hiệu thuộc các loại hình, góp phần nâng cao nhận thức, sự quan tâm của cộng đồng và xã hội về giá trị của di sản; tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.

Việt Nam còn đóng góp những thực tiễn tốt trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cho cộng đồng thế giới tham khảo, là nước đầu tiên đề xuất UNESCO chuyển 1 di sản phi vật thể từ danh sách bảo vệ khẩn cấp sang danh sách đại diện của nhân loại (năm 2017, UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).

Ở các địa phương, nhiều chương trình văn hóa quốc tế đã được tổ chức giúp thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, đồng thời, từng bước khẳng định Việt Nam là nơi giao lưu, chia sẻ giữa các nền văn hóa, văn minh trên thế giới, một điểm đến quốc tế uy tín, chất lượng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ngày càng nhiều các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quốc tế được tổ chức tại các địa phương trở thành thương hiệu như Festival Huế, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội hoa phượng đỏ Hải Phòng, Carnival biển Hạ Long...

Với riêng Hà Nội, từ khi có Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, một trong những chuyển biến dễ nhận thấy tại Thủ đô là việc nhiều sự kiện văn hóa trẻ trung, năng động, hiện đại mang tầm quốc gia và quốc tế liên tục được tổ chức, thu hút đông đảo khách quốc tế như: Lễ hội âm nhạc Gió mùa, sự kiện Photo Hanoi’23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế; SEA Games 31…

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, xây dựng thương hiệu cho các sự kiện nghệ thuật có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là hoạt động vừa có mục đích tạo dấu ấn cho các địa phương, nhất là địa điểm du lịch, vừa trở thành cơ hội để nghệ sĩ thể hiện tài năng, kết nối, giao lưu với đồng nghiệp, khán giả. Từ đó thúc đẩy phát triển nghệ thuật nước nhà, định vị tên tuổi của sự kiện nghệ thuật và nghệ sĩ Việt Nam trong dòng chảy chung của văn hóa, nghệ thuật thế giới.

Đặt con người ở vị trí trung tâm

Trong quá trình hội nhập quốc tế, công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam đối diện với một số khó khăn, thách thức như nguồn lực về tài chính, nhân lực, rất ít các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thâm nhập và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Thị Phương Hòa, trong quá trình hội nhập, văn hóa Việt Nam luôn đối diện nguy cơ “xâm lăng văn hóa”, “lai căng”, thái độ sùng ngoại, sự mai một bản sắc văn hóa, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số... Công tác nghiên cứu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại chưa thực sự trở thành hoạt động thường xuyên và được triển khai đồng đều ở các cơ quan trong và ngoài nước.

Du khách tham quan không gian văn hóa 22 Hàng Buồm. Ảnh: Lại Tấn
Du khách tham quan không gian văn hóa 22 Hàng Buồm. Ảnh: Lại Tấn

Do đó, văn hóa đối ngoại Việt Nam đứng trước nhiệm vụ cần phát huy và chuyển tải tối đa những giá trị mang ý nghĩa sâu sắc, nhân văn, truyền thống văn hóa dân tộc và thời đại vào các hoạt động đối ngoại, để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những giải pháp như xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045… để phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng lực của quốc gia đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước.

"Trong hành trình lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, quảng bá hình ảnh quốc gia trên thế giới, các văn nghệ sĩ, nhà quản lý, nhà chính trị, ngoại giao... cho đến từng người dân cần trở thành những sứ giả văn hóa của Việt Nam” - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Thị Phương Hòa chia sẻ.

Tại Hà Nội, trong Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" cũng nhấn mạnh nội dung này để mỗi người dân Thủ đô trở thành “công dân số”, “công dân toàn cầu”.

Theo đó, trong 9 nhiệm vụ đặt ra, nhiệm vụ thứ 4 về “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên” có nội dung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, thành nơi đáng sống trong mỗi người dân Thủ đô. Đồng thời để mọi người có điều kiện cống hiến, thụ hưởng, phát huy nét đẹp thanh lịch, văn minh, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng, định vị bản sắc văn hóa và con người Hà Nội xứng đáng là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố sáng tạo”.