Hợp tác với Cộng hòa Séc, cơ hội để startup Việt đổi mới sáng tạo

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến đã được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, qua đó, ngoài các dự án hỗ trợ, ký kết hợp tác, từ thực tiễn các bên sẽ tìm giải pháp giúp doanh nghiệp startup Việt Nam gia nhập thị trường. Đây được xem động thái của các đơn vị tạo cơ hội cho startup đổi mới sáng tạo.

Bắt tay để phát triển
PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương khẳng định, thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC); Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ công Séc (AMSP CR); Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME); Vietnam Silicon Valley (VSV); Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo trường Đại học Ngoại thương (FIIS); trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (TUAF) và BambooUp sẽ tạo nên tác động tích cực, động lực thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp (startup) sáng tạo của Việt Nam, cũng như của Cộng hòa Séc.
Các đơn vị ký kết hợp tác để phát triển startup đổi mới sáng tạo. Ảnh: Khắc Kiên
Với những hoạt động thiết thực được đưa ra trong thỏa thuận hợp tác từ tư vấn chính sách, đào tạo nâng cao năng cho đội ngũ cán bộ quản lý đến trao đổi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, chất lượng hỗ trợ startup sáng tạo sẽ ngày càng được nâng cao và tiến gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, Trường cũng sẽ tập trung tối đa nguồn lực để nâng cao chất lượng của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đang tạo ra không chỉ thách thức, mà còn cả cơ hội để bứt phá cho những doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội và làm chủ công nghệ.
Việc hình thành và phát triển mạng lưới kết nối quốc tế cũng là một trong những trụ cột được quan tâm và triển khai, thông qua chuỗi các hoạt động và sự kiện chung đặc biệt là các chương trình trao đổi doanh nghiệp startup sáng tạo nhằm tiếp cận với mạng lưới cố vấn hoặc cộng đồng startup, huy động vốn, ươm tạo, kết nối kinh doanh, thâm nhập thị trường.
Các diễn giả chia sẻ ý nghĩa của sự hợp tác. Ảnh: Khắc Kiên
Tại sự kiện, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ Khởi nghiệp CzechInvest (Bộ Công Thương Cộng hoà Séc) Beata Vorosova đã chia sẻ về cơ hội cho các hoạt động startup, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam sau khi ký và triển khai MOU. Đồng thời nhấn mạnh, Séc cũng có những hoạt động hỗ trợ cho các startup, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chọn vào công nghệ, kỹ thuật... Qua đó có thể hợp tác với Việt Nam để cùng phát triển trong thời gian tới. 
Phó Chủ tịch Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh thông tin, Hanoisme tròn 26 năm, với 4.000 hội viên, 23 chi hội câu lạc bộ. 318.000 doanh nghiệp chiếm 98,5% doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nhiều doanh nghiệp tư nhân được hình thành và phát triển với sự đồng hành T.Ư, TP Hà Nội, các sở ban ngành. Kể từ năm 2016 phong trào startup, nhất là Đề án 844 giúp các doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều.
Từ thực tế, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, việc thúc đẩy startup, mạnh dạn phối hợp với các trường đại học để đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong nhiều công trình phụ trợ. Trong đó, trường Đại học Ngoại thương có rất nhiều các chủ doanh nghiệp từng học tại đây, đang chèo lái và đóng góp rất nhiều cho Thủ đô, đất nước.
“Sự hợp tác giữa Việt Nam với đối tác Cộng hòa Séc thời gian tới sẽ phát triển, không chỉ các hoạt động đổi mới sáng tạo startup và quan trọng nhất là đổi mới trong tư duy và hành động thuyết phục cho các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nói riêng, cũng như mong muốn có tăng trưởng xuất khẩu, nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để trở thành một môi trường hấp dẫn đầu tư” – ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Một phần trong câu chuyện startup Việt
Đánh giá cao tinh thần startup của Việt Nam, Tham tán thương mại Đại sứ quan Cộng hòa Séc tại Việt Nam David Jakulisch nhận định, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Cộng hòa Séc ở Đông Nam Á. Thương mại song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đang tăng trưởng ổn định và kim ngạch thương mại đã vượt mốc 1 tỷ USD. Hai bên đều mong muốn tiếp tục củng cố và tăng cường hợp tác kinh tế ở cả cấp chính phủ và doanh nghiệp. Việt Nam được nhắc đến trong mọi văn kiện chiến lược của Séc về hợp tác kinh tế với tư cách là một trong những quốc gia ưu tiên về thương mại và đầu tư.
 Trong khuôn khổ của sự kiện, Tham tán thương mại Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam David Jakulisch đã trao chứng nhận tham gia khóa học về startup đổi mới sáng tạo cho các cá nhân. Ảnh Khắc Kiên
Với nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định cùng với tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng, Việt Nam ngày càng trở thành đối tác hấp dẫn của Cộng hòa Séc, và tiềm năng hợp tác kinh tế  giữa hai nước vô cùng to lớn. Trong thập kỷ qua, điều kiện cho các nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các công ty Séc. Các doanh nghiệp Séc đã đầu tư hơn 90 triệu USD vào 30 dự án đầu tư riêng lẻ tại Việt Nam và xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục.
Mặc dù các công ty lớn, những nhà đầu tư hai quốc gia đã tham gia và hợp tác trong những hoạt động kinh doanh mà không cần sự giúp đỡ đáng kể từ phía chính phủ, các công ty vừa và nhỏ vẫn thường cần sự hỗ trợ trong kinh doanh từ chính phủ để có thể đạt được thành công trong thị trường nước ngoài. Đó chính là lý do tại sao một trong những mục tiêu chính của viện trợ phát triển Séc tại Việt Nam cũng là hỗ trợ môi trường kinh doanh lành mạnh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các CEO tương lại sẽ là cầu nối thúc đẩy cho tinh thần startup đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Ảnh: Khắc Kiên
“Tôi hy vọng rằng dự án được tài trợ bởi chương trình viện trợ thương mại của Cộng hòa Séc sẽ góp phần tạo ra một khu vực kinh doanh mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Cộng hòa Séc sẽ trở thành một phần trong câu chuyện thành công trong tương lai của các doanh nghiệp startup Việt Nam” - ông David Jakulisch kỳ vọng.
Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC - Bộ KH&CN) Phạm Hồng Quất nhìn nhận, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 với những xu thế công nghệ mới trên nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, giáo dục y tế, thanh toán trực tuyến…, việc hợp tác về startup đổi mới sáng tạo nhằm thu hút vốn đầu tư, nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam là rất cần thiết.
Sau 5 năm triển khai Đề án 844, nhìn chung, hệ sinh thái startup sáng tạo Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, vươn lên top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng 59 theo xếp hạng Hệ sinh thái Khởi nghiệp toàn cầu của StartupBlink.
Từ nay đến cuối năm 2021, Bộ KH&CN Việt Nam đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức "Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - TECHFEST VIETNAM" năm thứ 7 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai”. Sự kiện gồm chuỗi hội nghị, hội thảo trên nhiều lĩnh vực khác nhau và hoạt động kết nối đầu tư, tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia... hướng tới thúc đẩy giải pháp công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để giải quyết các vấn đề của xã hội trong bối cảnh Covid-19 và phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Cộng hòa Séc là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và cả khoa học công nghệ. “Chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ khởi nghiệp thuộc dự án Aid for Trade” do Cộng hòa Séc tài trợ đã mở ra hướng hợp tác thiết thực, hiệu quả giữa các tổ chức, doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này. Thời gian tới, Việt Nam mong muốn có nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa giữa hai nước như: Xây dựng mạng lưới chuyên gia hỗ trợ startup đổi mới sáng tạo; tổ chức các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, huấn luyện startups; tổ chức sự kiện demoday (Techfest) với các đối tác tại Cộng hòa Séc và châu Âu (online, offline) để hỗ trợ tech startup hai nước mở rộng thị trường, tiếp cận các nhà đầu tư, tư vấn phát triển các mô hình, sản phẩm ứng dụng công nghệ mới...
Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) với vai trò kết nối tầm quốc gia các đơn vị trong hệ sinh thái startup sáng tạo sẽ là cầu nối xúc tác cho các hoạt động phối hợp. Tôi cũng hy vọng tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng startup sáng tạo và đặc biệt là sự ủng hộ của Đại sứ quán Cộng hoà Séc, Cơ quan Hỗ trợ khởi nghiệp CzechInvest, Cục Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN - Bộ KH&CN, trường Đại học Ngoại thương, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai thành công các hoạt động đã ký kết nói trên, mang lại giá trị cho hệ sinh thái startup sáng tạo.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần