Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh. |
Từ năm 2016 đến nay HPA đã liên tục tổ chức Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tại Nhật Bản, hoạt động này đã thu được kết quả như thế nào?
- Nhằm hỗ trợ DN đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị Nhật Bản tiêu thụ, từ năm 2016 đến nay HPA tổ chức “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” tại Trung tâm thương mại AEON. Đây là một Chương trình mà lãnh đạo TP Hà Nội rất quan tâm, với mong muốn phát triển các kênh xuất khẩu mới qua đó, đưa các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trực tiếp đến tay người tiêu dùng Nhật Bản; hạn chế khâu trung gian; tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài.
Nhờ liên tục tổ chức, đến nay Hà Nội bắt đầu triển khai, giới thiệu 6 sản phẩm Việt tại 40 điểm của AEON ở Nhật Bản. Hàng hóa của các DN Hà Nội được giới thiệu qua hai hình thức: Bày bán trên kệ ở các siêu thị của AEON hoặc tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm thương mại của AEON. Trong năm 2018 vừa qua, chỉ trong vòng một tuần tổ chức hoạt động này, doanh số bán hàng của DN trong nước đã đạt 6 tỷ đồng, đồng thời có nhiều phản hồi tốt từ người tiêu dùng Nhật Bản.
Mặc dù Nhật Bản là thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn nhưng có nhiều quy định, tiêu chuẩn hàng hóa khắt khe, vậy trong quá trình đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ Nhật Bản, DN Việt gặp những khó khăn gì?
- Việc quảng bá, giới thiệu hàng Việt tại hệ thống phân phối của các tập đoàn nước ngoài lớn ở Việt Nam đã khó, vào được các siêu thị nước bản địa còn gian nan hơn, nhất là sản phẩm trái cây, một mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Mặc dù chất lượng hàng hóa của DN Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt nhưng vấn đề nguồn hàng ổn định, chủng loại và kiểm soát chuỗi sản xuất đảm bảo VSATTP còn nhiều hạn chế.
Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội 2019 sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019 tại hệ thống phân phối AEON của Nhật Bản. Vậy trong kỳ tổ chức lần này có gì khác biệt so với những lần trước?
- Trong năm 2018 đã có 6 sản phẩm được đưa vào bán thử tại kênh phân phối AEON tại Nhật Bản, nhưng chủ yếu là sản phẩm từ phía Nam như: Bánh tráng, mỳ ăn liền, quần áo, cà phê,... miền Bắc mới có sản phẩm bia Hà Nội. Vì vậy trong kỳ tổ chức lần này ngoài việc giới thiệu tới người tiêu dùng Nhật Bản các mặt hàng dệt may, thời trang, da giày, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, trang trí, nông sản thực phẩm chế biến, đặc sản của các vùng miền... HPA và AEON sẽ đưa nhiều hơn sản phẩm trái cây và thủy sản.
Đối với mặt hàng trái cây sẽ lấy trái mãng cầu xiêm làm trọng tâm. Về cá tra, đây là mặt hàng tiềm năng rất lớn, Tập đoàn AEON mới chọn được một công ty ở Bến Tre. HPA cũng đã giới thiệu DN lớn của Việt Nam đang sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra ở miền Tây Nam bộ và khu vực phía Nam.
Để vào được thị trường Nhật, đòi hỏi DN Việt phải đạt được các tiêu chí về chất lượng và giá thành, nhưng không phải tất cả các DN đều đạt được những tiêu chí này. Vậy trong thời gian tới HPA sẽ có những biện pháp gì hỗ trợ DN nâng cao chất lượng sản phẩm?
- Không dễ để hàng Việt có thể cạnh tranh tại kênh phân phối của AEON. Tuy nhiên, cần khẳng định, khi đã thành công, sẽ mở cho DN cơ hội để vươn tới hoạt động kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp. Đưa được hàng vào siêu thị AEON cũng đồng nghĩa với việc vươn ra thế giới.
Do đó, HPA sẽ phối hợp với Tập đoàn AEON tìm kiếm sản phẩm, nhà cung cấp của Việt Nam để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật Bản. Đồng thời, sẽ tổ chức các chương trình tập huấn để DN hiểu hơn cách tiếp cận hệ thống phân phối quốc tế nói chung và Tập đoàn AEON nói riêng. Bài toán đặt ra là phải lựa chọn được DN đầu đàn, trên cơ sở kết nối được đội ngũ DN đủ mạnh, đủ tầm để có thể làm việc với các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài.
Tuy nhiên, bản thân DN khi tham gia nên chuyển từ thói quen tìm đối tác mua hàng sang tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nước sở tại.
Xin cảm ơn bà!
Quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 4,62 tỷ USD, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2018, đứng thứ 3 sau thị trường Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ 30% kim ngạch thuộc về DN Việt Nam, 70% thuộc về DN có vốn đầu tư nước ngoài. |