Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến, với sự tham dự của 300 đại biểu là tham tán thương mại các nước, hơn 200 HTX sản xuất trái cây trong nước và 40 doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu trái cây trong và ngoài nước.
Tiềm năng lớn từ trái cây Việt
Theo thống kê, trái cây Việt Nam hiện đã có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Nhật Bản, châu Âu (EU).
Các HTX có nhiều sản phẩm thế mạnh xuất khẩu như: Vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, dứa, dưa, xoài... đều đang rất cần tiếp cận thị trường tiêu thụ quốc tế. Các HTX có kinh nghiệm, kỹ năng tốt trong trồng trọt và làm vườn, có lợi thế về giống trái cây tiên tiến.
Sản phẩm trái cây của các HTX có ưu điểm là ngày càng đa dạng hơn như IQF (Individual Quickly Freezer – trái cây được cấp đông), nước trái cây tươi, đóng hộp, cô đặc…). Đa số HTX nhận thức được tầm quan trọng trong quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm của các HTX và doanh nghiệp chế biến trái cây xuất khẩu đã được chứng nhận kiểm soát an toàn thực phẩm như HACCP(Hazard Analysis Critical Control Points), BRC (British Retailer Consortium), Halai (Sản phẩm cho phép người Hồi giáo sử dụng)…
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường đưa ra dự báo nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 đến năm 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào năm 2025. Điều này cho thấy, cơ hội đang rộng mở để đưa trái cây Việt Nam ra với thị trường thế giới. Thông qua kết quả của hội nghị sẽ góp phần giúp các HTX sản xuất trái cây Việt Nam tiếp cận và dần đưa cơ hội thành hiện thực.
Hoàn thiện tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu
Để triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển nền kinh tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, khu vực kinh tế tập thể, HTX phát huy tinh thần yêu nước và giá trị “Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng, dân chủ không có đói nghèo”, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Tại hội nghị, đại diện tham tán thương mại một số nước, giám đốc các HTX, DN xuất nhập khẩu đã chia sẻ, cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận và kết nối cung cầu. Hỗ trợ thúc đẩy khu vực HTX tiếp cận các thị trường để tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, thời gian qua, đơn vị đã huy động các nguồn lực hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả thị trường. Hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối người sản xuất là các HTX với các nhà phân phối, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tại các tỉnh, TP bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và 19 tỉnh, TP phía Nam. Qua đó, đã kết nối tiêu thụ hàng ngàn tấn nông sản của thành viên trong thời gian ngắn, góp phần giảm tình trạng ứ đọng, giảm giá trị nông sản.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo kỳ vọng hội nghị sẽ là cầu nối cho các HTX sản xuất trái cây và các sản phẩm từ trái cây có cơ hội tiếp cận thông tin chính xác và nhanh nhất về các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Gặp gỡ các DN xuất nhập khẩu trái cây trong và ngoài nước, để vừa duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, vừa đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mới như Tây Á, Nam Á. Từ đó có định hướng cho các HTX từ khâu sản xuất nhằm đảm bảo quy cách về sản lượng và chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, tỷ trọng sản lượng lương thực, thực phẩm và nông sản chủ lực khác do các HTX sản xuất so với tổng sản lượng của các địa phương và cả nước chiếm khoảng 25% - 75%. Trong đó, riêng trái cây chiếm khoảng 55%. |