Hợp tác xã của những phụ nữ đơn thân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt lên trên số phận kém may mắn, những phụ nữ đơn thân cư ngụ dưới chân núi Đôi (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn) vẫn vui sống, cống hiến sức lao động và góp phần tích cực cho sự phát triển chung của địa phương.

“Mái ấm” của chị em

 “Cuối tháng này xuất chuồng lứa lợn, tôi sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng” - chị Trần Thị Hoa (43 tuổi) hồ hởi khoe khi chúng tôi ghé thăm căn nhà nhỏ của gia đình chị ở thôn Xuân Đồng (xã Tân Minh). Chị Hoa hiện là một trong những hộ làm ăn khá giả nhất thôn.
Vượt lên trên số phận kém may mắn, những phụ nữ đơn thân cư ngụ dưới chân núi Đôi vẫn vui sống, cống hiến sức lao động và góp phần tích cực cho sự phát triển chung của địa phương.
Vượt lên trên số phận kém may mắn, những phụ nữ đơn thân cư ngụ dưới chân núi Đôi vẫn vui sống, cống hiến sức lao động và góp phần tích cực cho sự phát triển chung của địa phương.
Dẫu vậy, ít ai biết, cuộc sống của chị đã từng phải trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn. Năm 1988, chị Hoa kết hôn. Nhưng hạnh phúc chỉ kéo dài được chừng 6 năm, chồng chị không may qua đời sau một cơn bạo bệnh dù đã được gia đình dốc sức chạy chữa. Chồng mất để lại gánh nặng cho chị là 2 đứa con thơ dại, bố mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi và em chồng mắc di chứng chất độc màu da cam. Cả gia đình có 5 sào ruộng, lại không có nghề phụ, vốn liếng chợ búa cũng chỉ là con số không, cánh cửa cuộc đời tưởng chừng như đã đóng sập với chị và gia đình. May mắn đến vào năm 1996, được sự hỗ trợ của Tổ chức Devet (Phần Lan) và Hội Phụ nữ xã Tân Minh, chị Hoa được vay 400.000 đồng. Chị quyết định mua 2 con lợn giống, số tiền còn lại mua gạo đi bán hàng xáo. Từ số vốn ít ỏi ban đầu, nhờ chịu khó làm ăn, chắt chiu dành dụm, giờ chị đã có trong tay một trang trại nhỏ với hàng chục con lợn.

Cùng với chị Hoa, hàng chục phụ nữ đơn thân với nhiều hoàn cảnh không may tương tự cũng được Tổ chức Devet và Hội Phụ nữ xã hỗ trợ vốn ban đầu để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của chị em đơn thân các thôn, xóm nơi đây được cải thiện đáng kể. Không chỉ vậy, hàng tháng, chị Hoa cũng như nhiều chị em trong Hội phụ nữ đơn thân xã Tân Minh lại cùng nhau hội họp, chia sẻ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống. Ngoài ra, còn tổ chức lập đội văn nghệ đi biểu diễn giao lưu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn. Những mặc cảm, tự ti về số phận không may được xóa nhòa, thay vào đó là niềm tin yêu cuộc sống.

Mong được hỗ trợ nhiều hơn

Năm 2008, được sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội, HTX Phụ nữ đơn thân xã Tân Minh (tiền thân là Hội phụ nữ đơn thân của xã) đã được thành lập. HTX hiện có 110 thành viên, chủ yếu trong độ tuổi từ 30 - 75. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu chung đều có khát vọng cống hiến sức lao động và lạc quan vào cuộc sống. Những ngày đầu thành lập, HTX tiếp tục nhận được hỗ trợ của Tổ chức Devet, Liên minh HTX TP. Theo đó, HTX được tài trợ nguồn vốn để các thành viên sản xuất túi ngủ, áo khoác ba lớp, đồng thời, được hỗ trợ khâu tiêu thụ sản phẩm theo đơn đặt hàng của các đối tác Phần Lan.

Chị Nguyễn Thị Hạnh – Chủ nhiệm HTX phụ nữ đơn thân xã Tân Minh cho hay, mỗi năm, đối tác Phần Lan nhận đặt hàng từ 2.500 – 7.000 sản phẩm (chủ yếu là túi ngủ), mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng phục vụ cho các hoạt động chung của HTX. Quan trọng hơn, nhờ đó mà hàng trăm thành viên HTX - là những phụ nữ đơn thân được tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Một trong những hoạt động trọng tâm khác của HTX là tín dụng tiết kiệm, cho vay. Ngoài các hộ vay vốn phát triển sản xuất nhỏ lẻ, hiện, HTX đang thí điểm cho vay một số hộ trồng nấm ăn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dù vậy, những phụ nữ đơn thân nơi đây vẫn chưa hết trăn trở. Như Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ, ngoài túi ngủ, áo khoác ba lớp và một số quần áo đồng phục đơn giản, HTX chưa thể nhận may các sản phẩm khác. Nguyên nhân là do tay nghề may đo của chị em vẫn còn hạn chế nên đối với những sản phẩm phức tạp hơn hầu như chưa thể làm được. Vì vậy, HTX rất mong nhận được sự hỗ trợ đào tạo nghề may cho chị em. HTX cũng hy vọng có đủ nguồn vốn để mua máy cấy phôi giống nấm (trị giá khoảng 100 triệu đồng/máy), tạo điều kiện nhân rộng mô hình trồng nấm để nhiều chị em khác có thể cùng tham gia, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.