Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HoREA: Dự án có quỹ đất hỗn hợp ở TP Hồ Chí Minh “đứng hình” vì ách tắc luật

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp ở TP Hồ Chí Minh đang bị “đứng hình” vì ách tắc luật. Theo đó, các thủ tục đầu tư xây dựng do các quy định pháp luật chưa đồng bộ, thậm chí bị xung đột, gây khó khăn cho doanh nghiệp vì tình trạng chôn vốn kéo dài.

Vừa qua Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có công văn số 48/2020/CV-HoREA gửi lên Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đóng góp ý kiến Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
 Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có đến 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp hiện đang gặp khó cần tháo gỡ.
Đáng chú ý, trong công văn nói trên, HoREA đóng góp ý kiến về đề xuất bổ sung “Điều 43e. Sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà có nguồn gốc gồm đất ở và các loại đất khác theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai” vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, tại TP Hồ Chí Minh hiện nay có khoảng 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai), không đạt “chuẩn” 100% đất ở, đang bị “đứng hình”, bị ách tắc các thủ tục đầu tư xây dựng do các quy định pháp luật chưa đồng bộ, thậm chí bị xung đột, dẫn đến các doanh nghiệp bị chôn vốn và rất khó khăn.
“Nếu các dự án này được thực hiện, chỉ tính bình quân mỗi dự án có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, thì tổng giá trị lên đến 126.000 tỷ đồng, sẽ tạo nguồn thu thuế giá trị gia tăng khoảng hơn 10.000 tỷ đồng; nếu lợi nhuận đạt 20% tương đương 25.000 tỷ đồng, sẽ tạo nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 5.000 tỷ đồng và nhiều nguồn thu ngân sách nhà nước khác nữa”, ông Châu phân tích.
Cũng theo ông Châu, để giải quyết vấn đề này, HoREA rất hoan nghênh nội dung Khoản 18 “Dự thảo Nghị định” bổ sung Điều 43e Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nếu được thông qua, sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, để các dự án nhà ở được vận hành bình thường, vừa đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, vừa tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Đồng thời, HoREA nhấn mạnh đối với trường hợp dự án nhà ở có quỹ đất do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xen kẽ các thửa đất thuộc nhà nước quản lý, nếu Khoản 13 Điều 1 “Dự thảo Nghị định” sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được thông qua thì trường hợp này sẽ được giải quyết.
Tuy nhiên, ở trường hợp dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở và các loại đất khác), không đạt “chuẩn” 100% đất ở (theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở), mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát triển nhà ở, nhưng không được lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định chủ đầu tư và cũng đang bị ách tắc thủ tục đầu tư, xây dựng. Mặc dù, đến thời điểm này UBND TP đã có các văn bản kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Xây dựng nhưng vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn.
Hơn nữa, nội dung Điều 43e Nghị định 43/2014/NĐ-CP của “Dự thảo Nghị định” lại không phù hợp với Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở và cũng không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, mà thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Quốc hội trong việc giải thích Luật, sửa đổi Luật.
Do vậy, để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng của các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp không đạt “chuẩn” 100% đất ở (theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở), Hiệp hội đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở trong Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội năm 2020, trong đó, có Đề án sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, hoặc Đề án sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng.