Huawei ngày 3/9 đã tung ra một bản thông cáo báo chí cáo buộc Washington có hành vi cưỡng ép các nhân viên của tập đoàn tiết lộ thông tin.
Giữa lúc cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang leo thang căng thẳng, Washington hồi tháng 5 đã đưa nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới vào danh sách bị cấm tnhập khẩu một số linh kiện, công nghệ quan trọng từ Mỹ nếu chính phủ chưa phê duyệt.
Tập đoàn Huawei của Trung Quốc là một trong những "nạn nhân" của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. |
Theo đó, Tập đoàn Huawei khẳng định, Mỹ đã sử dụng quyền lực tư pháp và hành chính cũng như các công cụ khác để làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của họ cùng các đối tác.
Cụ thể, trong tuyên bố này, Huawei cho biết các nhân viên và các đối tác của tập đoàn đã bị phía Mỹ truy tìm, giam giữ và bắt giữ bất hợp pháp, trong khi một số khác bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sờ gáy và gây áp lực buộc phải tiết lộ các thông tin mật về Huawei.
Có 8 nhân viên - vài người trong số đó là công dân Mỹ, có liên quan đến vụ việc. Tất cả đều là giám đốc điều hành từ trung cấp đến cao cấp. Vụ việc mới nhất xảy ra vào ngày 28/8 khi một nhân viên từ văn phòng chi nhánh tại Mỹ của Huawei báo cáo rằng FBI đã thăm viếng và yêu cầu người này cung cấp thông tin.
Phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đề cập tới tuyên bố của Huawei, cho biết Trung Quốc phản đối các động thái của Mỹ nhắm vào một công ty cụ thể mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.
Tuy nhiên, Huawei không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho các cáo buộc trên, khẳng định thông tin thu thập từ nguồn khai báo của các nhân viên. Kể từ đầu năm nay, ít nhất 3 nhân viên Mỹ đã bị các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ "sờ gáy", theo Huawei cho biết.
Ngoài các cáo buộc chính phủ Mỹ gây áp lực cho nhân viên của mình, Huawei cũng tuyên bố Washington đang tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào tập đoàn này, đồng thời huy động các công ty hợp tác với Huawei đưa ra những cáo buộc vô căn cứ.