Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hùng vĩ cột cờ Tổ quốc bên Vĩ tuyến 17

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng dịp kỷ niệm 9 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1954, lá cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ bên bờ Bắc Vĩ tuyến 17 (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Cũng từ đây, lá cờ đỏ sao vàng bên bờ sông Bến Hải đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất, kiên trung và khát vọng hòa bình, tự do, độc lập cháy bỏng của hàng triệu người con nước Việt.

Cột cờ đầu tiên bên sông Bến Hải

Dù đã hơn 90 tuổi nhưng đại tá Nguyễn Thanh Hà - nguyên phân đội trưởng phân đội 1, Công an giới tuyến vẫn nhớ như in những ngày, tháng, từng trận đánh và từng đồng đội trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ cột cờ giới tuyến năm xưa.
“Từ ngày 1/8/1954, tôi có quyết định ra thực hiện nhiệm vụ tại Đại đội Công an vũ trang giới tuyến, gọi là Đại đội 1 do đồng chí Trần Tình (còn gọi Trường) làm Đại đội trưởng. 100 cán bộ, chiến sĩ được điều động từ 3 đại đội trực thuộc phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam cùng làm nhiệm vụ tại đây. Lúc đó, tôi phụ trách phân đội từ Hiền Lương về Cửa Tùng”- đại tá Nguyễn Thanh Hà kể lại.
Cột cờ Hiền Lương bên sông Bến Hải trở thành biểu tượng, niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh: Tân Minh
Ngay sau khi triển khai các nhiệm vụ cụ thể, Ban liên hợp đình chiến Bình Trị Thiên giao nhiệm vụ cho phân đội 1 dựng cột cờ Tổ quốc nhằm đúng dịp kỷ niệm 9 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945 - 2/9/1954).

Đại tá Nguyễn Thanh Hà vẫn nhớ như in: “Ngay sau đó, tôi tổ chức cho anh em khoảng 10 người đi tìm cây dài 12m để làm cột cờ dựng ngay bên đầu cầu Hiền Lương. Lá cờ đỏ sao vàng khổ 3,2 x 4,8m tung bay trong gió. Lúc đó, trên cầu Hiền Lương người dân đi rất đông, từ Bắc vào Nam, từ Nam cũng ra Bắc để xem giới tuyến. Ai cũng vui mừng, phấn khởi khi thấy lá cờ Tổ quốc”.

Thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay bên bờ Bắc, Pháp cũng vội vàng cắm lá cờ tam tài lên nóc lô cốt Xuân Hòa ở bờ Nam cao 15m. Theo yêu cầu của bà con giới tuyến, cờ ta phải cao hơn, đại tá Nguyễn Thanh Hà cho 1 tiểu đội lên rừng tìm được cây gỗ cao 18m đưa về làm cột cờ, bên trên thường xuyên treo lá cờ rộng 24m2.
“Thuở ấy, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nơi đầu cầu Hiền Lương trở thành điểm tựa, niềm tin của hàng triệu đồng bào bên bờ giới tuyến. Đồng thời, đó trở thành một “ngôi sao Bắc đẩu” chỉ đường cho anh em sau khi thực hiện các nhiệm vụ bí mật bên bờ Nam dễ dàng tìm về. Dù bị đánh phá cỡ nào, lá cờ của chúng ta phải bằng mọi giá luôn tung bay”- đại tá nguyễn Thanh Hà trầm giọng nhớ lại.

Cuộc chiến “đọ” cờ

Thấy lá cờ của ta hùng vĩ bên bờ Bắc, ngay sau đó chính quyền ngụy cho dựng trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam với lá cờ ba sọc. Loa chiến tranh tâm lý suốt ngày ra rả. Chúng chưa kịp khiêu khích bao lâu thì tháng 7/1957, được sự giúp đỡ, ủng hộ của Trung ương, công nhân Cục cơ khí điện nước Hà Nội gia công tại Hà Nội rồi vận chuyển vào giới tuyến. Ngay sau đó, cột cờ Hiền Lương bằng thép ống, cao 34,5m đã được dựng lên. Trên đỉnh gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, 5 đỉnh ngôi sao gắn chùm bóng điện loại 500W cùng lá cờ rộng 54m2.
Các chị, các mẹ vá lá cờ Tổ quốc nơi giới tuyến dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Ảnh tư liệu
Khi lá cờ đỏ sao vàng được dựng lên, từ xa hàng cây số, người dân cả 2 bờ đều nhìn thấy rõ giữa nền trời xanh thẳm. Mọi người bỏ cả công việc đồng áng, nhảy lên vỗ tay reo mừng. Ban đêm, lá cờ càng rõ hơn khi được các bóng đèn chiếu sáng.

Trước sự kiện này, chính quyền ngụy ở Sài Gòn hoàn toàn bất ngờ, chúng vội vàng nâng cột cờ của chúng lên 35m và tiếp tục giọng điệu khiêu khích. Đáp lại lòng mong mỏi của Nhân dân 2 miền Nam - Bắc, năm 1962, cột cờ cao 38,6m được ta gia công tại Hà Nội rồi vận chuyển vào dựng lên ở bờ Bắc sông Bến Hải, kéo lên lá cờ đại rộng 96m2.

Thua trong cuộc “chọi” cờ, kẻ địch luôn tìm cách phá hoại cột cờ giới tuyến. Bởi thế, khi Mỹ tìm cách phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta thì cột cờ Hiền Lương trở thành mục tiêu đánh phá trước tiên.

Cột cờ Hiền Lương đã hứng chịu hàng nghìn quả bom, hàng vạn quả đạn của địch. Dù có điên cuồng cỡ nào, bắn phá ác liệt đến đâu, kẻ địch cũng không thể hạ được cột cờ cùng lá quốc kỳ hùng vĩ. Quân và dân Vĩnh Linh cùng những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã bảo vệ lá cờ với lời thề quyết tử “Ngày nào tim còn đập thì lá cờ còn bay”.

Đỉnh điểm, ngày 2/8/1967, địch điên cuồng tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau đánh phá liên tục suốt một ngày làm cho cột cờ của ta bị gãy và đánh sập cầu Hiền Lương. Nhưng ngay trong đêm, bằng một cột điện nối thêm cây gỗ, cột cờ mới được dựng lên với lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trong nắng sớm.

Cũng ngay trong đêm đó, các chiến sĩ của ta đã gan dạ vượt sông, ôm bọc phá đánh gãy cột cờ bờ Nam của kẻ địch, chấm dứt vĩnh viễn lá cờ ba sọc của ngụy quyền Sài Gòn trên bầu trời giới tuyến.

Để bảo vệ lá cờ Tổ quốc, Nhân dân Vĩnh Linh, Công an giới tuyến, bộ đội của ta đã chiến đấu trên 300 trận lớn, nhỏ. Nhiều lần bắt các toán biệt kích, thám báo địch vượt sông, đặt mìn phá hoại cột cờ của ta. Và để bầu trời Vĩnh Linh không một phút vắng bóng lá cờ đỏ sao vàng, nhiều cán bộ, chiến sĩ quân và dân đã anh dũng ngã xuống. Máu đào đã tô thêm sắc thắm của lá cờ và hóa thân thành bất tử trong lịch sử hào hùng nơi đây.

Năm 2001, trong dự án trùng tu, tôn tạo di tích đôi bờ Hiền Lương, một cột cờ cao 38,6m với lá Quốc kỳ rộng 96m2 được dựng lại dựa theo một phần thiết kế năm 1962. Đến giờ này, bên bờ sông Bến Hải, cột cờ Hiền Lương là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Trên nền trời xanh thẳm, lá cờ đỏ sao vàng hùng vĩ tung bay trong gió trở thành biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc - về một thời bi tráng mà rất đỗi tự hào.