Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hưng Yên: nghiên cứu đề án "Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ"

Kinhtedothi - UBND tỉnh Hưng Yên vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan về việc thực hiện đề án "Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ” trên địa bàn các phường Minh Khai, Hiền Nam, Lam Sơn, Hồng Châu và các xã Quảng Châu, Hoàng Hanh, Tân Hưng, thành phố Hưng Yên.

Phố Hiến xưa.

"Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến" - câu ca dao đã đi vào tiềm thức người Việt như một minh chứng cho sự sầm uất, thịnh vượng của thương cảng Phố Hiến trong thế kỷ 16-17.

Là trung tâm giao thương quốc tế lớn thứ hai chỉ sau Kinh đô Thăng Long, Phố Hiến từng là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa và kinh tế giữa Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, trước sự biến động lịch sử và sự phát triển hiện đại, di sản quý giá này đang đứng trước nguy cơ mai một, đòi hỏi sự đầu tư kịp thời và toàn diện để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử và văn hóa quốc gia.

Với vị trí chiến lược trên các con sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình, và sông Đáy, Phố Hiến đã trở thành trung tâm giao thương nhộn nhịp, nơi tụ họp của thuyền buôn từ 12 quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm (Thái Lan), Lữ Tống (Philippines), Mã Lai (Malaysia), In-đô (Indonesia), Ấn Độ, Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Cảnh "trên bến dưới thuyền" cùng các thương điểm của các nước lớn như Nhật Bản, Anh, Hà Lan đã biến Phố Hiến thành một đô thị kinh tế, chính trị và văn hóa sầm uất.

Sự đa dạng văn hóa được thể hiện qua các công trình kiến trúc độc đáo như chùa Chuông, đình An Vũ, hội quản Đông Đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, nhà thờ Thiên Chúa giáo, và các phố phường mang phong cách giao thoa giữa Việt Nam với Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây.

Ngày nay, những di tích và di sản này không chỉ là minh chứng lịch sử mà còn là tài sản vô giá của nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được bảo tồn và phục dựng kịp thời, những giá trị này sẽ tiếp tục bị mai một, làm mất đi một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc phục dựng Phố Hiến cổ không chỉ là bảo tồn di sản mà còn là cơ hội lớn để phát triển kinh tế - du lịch, thương mại và dịch vụ bền vững cho tỉnh Hưng Yên. Tận dụng tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, Phố Hiến đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định vị thế của mình trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam. Sự đa dạng về kiến trúc, lễ hội và nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, hát trống quân là những "sản phẩm văn hóa" độc đáo có thể thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Việc phát triển du lịch tại Phố Hiến không chỉ giúp tạo ra nguồn thu lớn từ các hoạt động du lịch như lưu trú, ẩm thực, và dịch vụ, mà còn thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm đặc trưng của địa phương như nhãn lồng Hưng Yên, tương Bần, và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đây sẽ là nguồn tạo ra hàng ngàn việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch và các ngành kinh tế phụ trợ, cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Chợ Phố Hiến trở nên cũ kỹ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, nhiều công trình kiến trúc, phố phường và lễ hội truyền thống của Phố Hiến hiện nay đã biến mất hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không có sự đầu tư kịp thời, nguy cơ mất mát toàn bộ các giá trị văn hóa và lịch sử là rất lớn. Vì vậy, việc phục dựng Phố Hiến không chỉ là nhiệm vụ bảo tồn mà còn là cơ hội để tỉnh Hưng Yên bứt phá trong lĩnh vực du lịch, đưa Phố Hiến trở thành điểm đến du lịch văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Dự án xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ nằm tại khu vực bãi bồi ngoài đê, chịu ảnh hưởng của lũ lụt từ hệ thống sông Hồng và sông Luộc. Để đảm bảo an toàn khu vực phục dựng di sản, cần có giải pháp chống ngập lụt lâu dài. Chính vì thế, tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị để chỉ đạo các bộ ngành cho phép tỉnh Hưng Yên được xây dựng tuyến đê bao bảo vệ toàn bộ dự án. Tuyến đê sẽ đồng thời là tuyến đường giao thông trục chính, có chiều dài khoảng 17,5km, với cao trình đỉnh đê đạt tần suất trên mức nước báo động III tối thiểu là 1m (khoảng +9,3 đến +9,8m).

Tổng mức đầu tư dự án xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ được dự kiến là 47.241 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn từ đầu tư xây dựng công trình, hỗ trợ ngân sách nhà nước trong giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cùng các nguồn vốn từ nhà đầu tư được lựa chọn. Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài 10 năm, từ 2025 đến 2035.

Liên quan đến đề án này, ngày 4/4, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2844 giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp khẩn trương nghiên cứu và đưa ra giải pháp cụ thể về chủ trương dự án, nguồn vốn, ưu đãi đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng, phòng chống ngập lụt và bảo vệ môi trường. Các đơn vị sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và phương án thực hiện.

Ngày 13/4, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương đã ký Công văn số 1542 yêu cầu các bộ liên quan có ý kiến về chủ trương dự án để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ