Hướng dẫn mới nhất xác định người hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi
Kinhtedothi-Theo đề nghị của một số bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ vừa ban hành hướng dẫn mới nhất về việc thực hiện Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP) của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang (CBCCVC, NLĐ, LLVT) trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Xác định hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội
Theo Bộ Nội vụ, chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025) đã góp phần hoàn thành mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; bảo đảm quyền, lợi ích cho CBCCVC, NLĐ khi nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị.
Đến nay, theo đề nghị của một số bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn 1814 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó, Bộ hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng CBCCVC; đối tượng áp dụng; thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy; về tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp; thời điểm tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH); về tiêu chí đánh giá CBCCVC và NLĐ; về giải quyết chính sách, chế độ đối với CBCCVC và NLĐ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện phương án giải thể, kết thúc hoạt động; về nâng lương trước khi nghỉ hưu trước tuổi.
Đáng chú ý, về thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng CBCCVC, Bộ hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị không trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo yêu cầu của việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW thì căn cứ Đề án vị trí việc làm, Kế hoạch (hoặc Đề án tinh giản biên chế) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chí đánh giá CBCCVC đã được ban hành, thực trạng số lượng và chất lượng CBCCVC, NLĐ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Từ đó, người đứng đầu cùng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thực hiện việc đánh giá, sàng lọc đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức, đơn vị những người không đáp ứng theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC để làm căn cứ xác định đối tượng hưởng chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP).
Về tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp, Bộ Nội vụ cho biết tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP) và điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư 01/2025/TT-BNV ngày 17/1/2025 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2025/TT-BNV ngày 4/4/2025) đã quy định rõ tiền lương hiện hưởng và cách khoản phụ cấp để tính tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP).
Theo đó, các khoản phụ cấp khác (phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp trách nhiệm cấp ủy phụ cấp trách nhiệm kế toán trưởng...) không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.
Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định 178/2024/NĐ-CP và khoản 6 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP) thì phụ cấp chức vụ lãnh đạo được bảo lưu được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.
Bộ Nội vụ vừa ban hành Công văn hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; về tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp...
Đối với các trường hợp nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau thì tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề của tháng trước khi nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau. Riêng mức lương cơ sở được tính trên mức lương liền kể của tháng trước liền kề tháng nghỉ việc theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 67/2025/NĐ-CP).
Về thời điểm tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng BHXH, căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP) và Điều 4 Thông tư 01/2025/TT-BNV ngày 17/1/2025 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 02/2025/TT-BNV ngày 4/4/2025) thì đối với những người nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 1/7/2025 (ngày có hiệu lực của Luật BHXH năm 2024) thì hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng BHXH như sau: Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng BHXH bắt buộc thì được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Trích dẫn
Giữa tháng 3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 178/NĐ-CP, trong đó bổ sung 4 nhóm hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi khi tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị.
Thống nhất tiêu chí chung để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức
Về tiêu chí đánh giá CBCCVC và NLĐ, tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP) đã ban hành nguyên tắc, tiêu chí chung để làm cơ sở áp dụng thống nhất cho các bộ, ngành, địa phương.
Căn cứ đặc điểm tình hình và thực tiễn của từng bộ, ngành, địa phương, các bộ, ngành, địa phương xây dựng tiêu chí riêng để áp dụng đối với CBCCVC, NLĐ thuộc phạm vi quản lý.
Đối với trường hợp có đơn tự nguyện xin nghỉ việc cũng phải thực hiện đánh giá và rà soát theo tiêu chí để xác định đối tượng nghỉ theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP).
Về nâng lương trước khi nghỉ hưu trước tuổi, theo quy định pháp luật về công chức, viên chức thì trước 6 tháng tính đến ngày công chức, viên chức đủ tuổi nghỉ hưu thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có thông báo về thời điểm nghỉ hưu cho công chức, viên chức được biết.
Theo đó, chế độ nâng bậc lương đối với CBCCVC khi có thông báo nghỉ hưu quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ được áp dụng đối với CBCCVC khi có thông báo nghỉ hưu nêu trên. Vì vậy, đối với CBCCVC nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) không thuộc đối tượng được nâng bậc lương trước thời hạn khi có thông báo nghỉ hưu quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BNV.
Trong quá trình xây dựng chính sách, chế độ đối với CBCCVC và NLĐ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ đã báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 còn chưa giải quyết; khuyến khích CBCCVC và cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp.
Do vậy, tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP) đã quy định các đối tượng này thuộc đối tượng áp dụng. Vì thế, tại khoản 1, khoản 2 Điều 25 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP) đã quy định các trường hợp này nếu đã được cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP nhưng chưa ban hành quyết định hưởng chính sách hoặc thời điểm nghỉ việc sau ngày 1/1/2025 thì được áp dụng chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP).

Hướng dẫn mới nhất về chế độ, chính sách với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm
Kinhtedothi-Bộ Nội vụ vừa có hướng dẫn mới nhất về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng theo Nghị định 177/2024/NĐ-CP.

Bộ Nội vụ sẽ trình sửa đổi cải cách chính sách tiền lương trong quý II/2025
Kinhtedothi-Trong quý II/2025, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan tại Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động (CBCCVC, LLVT, NLĐ) trong doanh nghiệp.

Bộ Nội vụ lý giải cụ thể việc không giữ thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Kinhtedothi-"Bộ Chính trị đã ba lần xem xét, cho ý kiến về đề án mô hình tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) hai cấp, trong đó cân nhắc rất kỹ việc không giữ thị xã, thành phố thuộc tỉnh"- Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn (Bộ Nội vụ) thông tin.