Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2021

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Thuế Hà Nội vừa có công văn hướng dẫn thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho năm tính thuế 2021 đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, DN, tổ chức kinh tế, cá nhân trả thu nhập.

Đối tượng phải quyết toán thuế TNCN

Theo hướng dẫn của Cục thuế Hà Nội, đối tượng phải quyết toán thuế TNCN là các cá nhân có thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công phải trực tiếp quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế, gồm: Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công nếu có số thuế phải nộp thêm trừ các trường hợp có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán thuế từng năm từ 50.000 đồng trở xuống; cá nhân có số thuế nộp thừa có nhu cầu đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo; cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo; cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam phải khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh.

Ngoài ra đối tượng phải quyết toán thuế TNCN còn có các tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công phải thực hiện khai quyết toán thuế TNCN. Theo đó, tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế và quyết toán thuế TNCN thay cho cá nhân có ủy quyền.

Trường hợp cá nhân có uỷ quyền quyết toán thuế TNCN cho tổ chức và có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống thuộc diện được miễn thuế, thì tổ chức trả thu nhập vẫn kê khai thông tin cá nhân được trả thu nhập đó tại hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN của tổ chức, và không tổng hợp số thuế phải nộp thêm của các cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống.

Công chức thuế quận Ba Đình, TP Hà Nội tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế
Công chức thuế quận Ba Đình, TP Hà Nội tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế

Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế TNCN theo ủy quyền của cá nhân đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả, và tổ chức trả thu nhập mới thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức trả thu nhập cũ đã cấp cho người lao động (nếu có).

Ủy quyền quyết toán thuế

Cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế qua tổ chức trả thu nhập khi cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại tổ chức đó vào thời điểm uỷ quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp cá nhân làm việc không đủ 12 tháng trong năm tại tổ chức, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ đủ thuế 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Cá nhân là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam chưa làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế, thì thực hiện ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác quyết toán thuế theo quy định về quyết toán thuế đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác nhận ủy quyền quyết toán thì phải chịu trách nhiệm về số thuế TNCN phải nộp thêm, hoặc được hoàn trả số thuế nộp thừa của cá nhân.

Trường hợp tổ chức trả thu nhập thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi) và người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới được hình thành sau khi tổ chức lại doanh nghiệp, nếu trong năm người lao động không có thêm thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi nào khác thì được uỷ quyền quyết toán cho tổ chức mới quyết toán thuế thay, tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động để tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế TNCN thay cho người lao động.

Trường hợp điều chuyển người lao động giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như: Tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con, trụ sở chính và chi nhánh thì cũng được áp dụng nguyên tắc ủy quyền quyết toán thuế như đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp.

Về thu nhập chịu thuế

Quy định về thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công, các khoản giảm trừ thu nhập chịu thuế TNCN được xác định theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013; Điều 11, Điều 12 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014; Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cục Thuế Hà Nội lưu ý:

Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả thay, nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập, không bao gồm: Khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.

Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.

Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế được tổng hợp tại Danh mục tổng hợp các khoản phụ cấp, trợ cấp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công, ban hành tại công văn số 1381/TCT-TNCN ngày 24/4/2014 của Tổng Cục Thuế.

Thời gian nộp hồ sơ quyết toán

Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế là ngày làm việc tiếp theo. Như vậy, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế là ngày 4/5/2022.

Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế TNCN nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định thì không áp dụng phạt đối với vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.

Đối với tổ chức chi trả thu nhập, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quyết toán thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Tổ chức trả thu nhập chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể hoặc phá sản theo quy định của Luật DN thì phải quyết toán thuế đối với số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) kể từ ngày chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể hoặc phá sản.

Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử đối với các tờ khai Quyết toán thuế TNCN mẫu: 02/QTT-TNCN, 05/QTT-TNCN và các phụ lục đính kèm; tờ khai cấp mã số thuế cho người phụ thuộc mẫu 02TH trên hệ thống thuế điện tử (eTax) tại địa chỉ https://thuedientu.gdt.gov.vn tới người nộp thuế.

Đối với trường hợp nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN bằng bản giấy thì nên sử dụng phương thức nộp hồ sơ qua đường bưu điện để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tránh tập trung đông người nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19. Khi nộp hồ sơ qua đường bưu điện, người nộp thuế thực hiện khai đầy đủ thông tin về họ tên, địa chỉ liên lạc, địa chỉ email, số điện thoại để cơ quan thuế có thể thông tin, liên lạc với người nộp thuế nếu hồ sơ khai thuế cần bổ sung, hoàn thiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần