Đây cũng là năm TP dự kiến triển khai mạnh mẽ chương trình ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp. Bởi vậy, năm 2015 được cho là năm đón chờ nhiều bước đột phá của nông nghiệp, nông thôn Thủ đô.
Kết quả ban đầu đáng khích lệ
Nhìn lại một năm qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao trong khi đầu ra của nông sản chưa ổn định, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có một năm đầy nỗ lực vượt khó. Là Thủ đô, Hà Nội được kỳ vọng sẽ là lá cờ đầu, là hình mẫu về phát triển nông nghiệp cho các địa phương học tập. Trách nhiệm ấy không hề dễ dàng với đặc thù đồng đất không thuận lợi như Hà Nội, từ những vùng quanh năm "chiêm khê, mùa thối" đến các vùng gò đồi không bằng phẳng. Thêm vào đó, với hiện trạng đất chật, người đông, bình quân diện tích ruộng đất theo đầu người thấp, việc xây dựng những cánh đồng mẫu lớn ứng dụng CNC gặp không ít trở ngại. Dẫu vậy, vượt lên những khó khăn ấy, ngành nông nghiệp Thủ đô đã và đang từng bước định hình một hướng đi đúng đắn.
Nếu như trước đây ở ngoại thành, nhất là khu vực Hà Nội (cũ), ruộng đất còn manh mún, người nông dân phải vất vả một nắng hai sương đắp bờ cuốc góc thì sau hơn 2 năm (2012 - 2014) nỗ lực thực hiện chủ
trương dồn diền đổi thửa, những cánh đồng mẫu lớn đã dần hình thành. Với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đến nay, TP đã dồn điền đổi thửa được hơn 74.100ha, đạt 97,11% kế hoạch. Và trong những ngày năm mới chuẩn bị gõ cửa này, các địa phương vẫn đang dốc sức hoàn thành nốt những diện tích còn lại. Quy hoạch lại đồng ruộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương xây dựng những mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa và ứng dụng cơ giới hóa. Đó là những vùng lúa hàng hóa rộng hàng ngàn héc ta ở Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa; vùng trồng hoa, cây cảnh ở Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm; vùng trồng rau ở Thanh Trì, Phúc Thọ, Gia Lâm...
Về ngoại thành bây giờ, hình ảnh những chiếc máy cày, máy cấy chạy xình xịch ngoài đồng trong nụ cười thảnh thơi của người nông dân đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Rồi những mô hình nhà lưới trồng rau, trồng hoa mang hơi hướng nông nghiệp CNC cũng xuất hiện ngày một nhiều. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú chia sẻ, với địa bàn chủ yếu còn thuần nông, biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao thu nhập cho người nông dân chính là phát triển sản xuất. Từ quan điểm ấy, Phúc Thọ đã mạnh dạn cử cán bộ, nông dân đi học hỏi mô hình sản xuất CNC ở Đà Lạt (Lâm Đồng) để ứng dụng tại địa phương. Đặc biệt, để đồng hành cùng với người nông dân, UBND huyện đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Thật đáng mừng là trước thềm năm mới, Phúc Thọ đã xây dựng được một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC tại các xã Vân Phúc, Tích Giang, Thọ Lộc... Hay như tại huyện Phú Xuyên, với đặc thù vùng chiêm trũng, ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp được huyện xác định là một trong 2 khâu đột phá trong xây dựng NTM. Điều đó giải thích vì sao Phú Xuyên trở thành một trong những huyện đi đầu TP về ứng dụng cơ giới hóa. Ông Nguyễn Đình Chiêu - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, huyện có chính sách hỗ trợ 50% tiền mua máy cấy, máy gieo hạt cho các HTX, hộ nông dân. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có hơn 140 máy cấy, 455 máy làm đất và hơn 500 máy tuốt lúa. Diện tích sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của huyện đạt trên 5.200ha.
Một trong những thành công không thể không nhắc tới của ngành nông nghiệp Hà Nội là chương trình xây dựng NTM. Sau 4 năm vào cuộc quyết liệt, Hà Nội đã vươn lên dẫn đầu toàn quốc về số xã đạt chuẩn NTM với 38 xã được công nhận NTM (không kể 12 xã đã lên phường của 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm). Ngoài ra còn có 178 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí. Tại thời điểm này, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP đang triển khai chấm điểm xã NTM tại các huyện, thị xã. Theo dự kiến, kết thúc kế hoạch công tác năm 2014, Hà Nội sẽ có thêm trên 60 xã đạt chuẩn NTM.
Ưu tiên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Theo kế hoạch, năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP khóa XV và nhiều chương trình, đề án của ngành nông nghiệp Hà Nội, như: Đề án rau an toàn, đề án sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao... Do đó, không chỉ riêng các cơ quan quản lý trong ngành nông nghiệp, mà cả người dân ngoại thành cũng đang kỳ vọng một năm có nhiều đột phá của ngành nông nghiệp Thủ đô.
Và, có lẽ, sự đột phá ấy đến chính từ việc triển khai mạnh mẽ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Bởi theo như chia sẻ của Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ứng dụng CNC vào sản xuất là một trong những nội dung quan trọng của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô. Lợi thế của Hà Nội là có rất nhiều nông sản, đặc sản được mệnh danh là "của ngon, vật lạ" như cam Canh, bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, nhãn chín muộn Quốc Oai, gà mía Đường Lâm, vịt cỏ Vân Đình… Nhiều nông sản của Thủ đô cũng đã xây dựng được thương hiệu và đang phát huy tốt giá trị như sữa Ba Vì, chè Ba Vì, chè an toàn Bắc Sơn… Bởi thế, việc ứng dụng CNC nhằm phát huy những lợi thế này được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho người nông dân. Trên thực tế, một số chương trình ứng dụng CNC trong chọn tạo giống và chăm sóc cây trồng, vật nuôi cũng đã được triển khai tại các huyện, thị xã cho hiệu quả cao. Đáng chú ý là chương trình phát triển đàn bò BBB, sử dụng tinh phân ly (tinh phân biệt giới tính) trong chăn nuôi bò sữa, hay trồng lan nuôi cấy mô trong trồng trọt…
Theo ông Chu Phú Mỹ, một trong những khâu quan trọng mà ngành nông nghiệp Thủ đô cần quan tâm ứng dụng CNC là chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản. Nhiệm vụ này gắn liền với việc xây dựng các chuỗi liên kết giá trị nông sản từ sản xuất, sơ chế, đến chế biến, tiêu thụ, đảm bảo nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được dán tem, nhãn mác nhận diện rồi mới chuyển tới tay người tiêu dùng. Để phát triển nông nghiệp CNC đi đúng hướng, dưới sự chỉ đạo của UBND TP, Sở NN&PTNT đã xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2020, giá trị nông nghiệp CNC chiếm 35% tổng giá trị toàn ngành. Bên cạnh đó, TP cũng đã quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tại đây có một phần diện tích dành cho các DN thuê để sản xuất nông nghiệp CNC và một phần diện tích giao cho Sở NN&PTNT xây dựng mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC.
Đặc biệt, TP cũng đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN, cá nhân, hộ gia đình ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp như tập huấn KHCN, đầu tư một phần hạ tầng... Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT về xây dựng chương trình công tác trọng tâm năm 2015 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt yêu cầu, ngành nông nghiệp cần tập trung vào một số dự án đầu tư phát triển nông nghiệp CNC. Theo Phó Chủ tịch, muốn nông nghiệp phát triển, cần tổ chức hội nghị gặp gỡ các DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, lắng nghe những đóng góp của DN về khó khăn, kiến nghị để có giải pháp tháo gỡ, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. "DN chính là đối tượng chủ lực trong đầu tư, phát triển nông nghiệp CNC của Hà Nội" - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nhấn mạnh.
Trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Ảnh: Quang Thiện
|
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2014 của TP Hà Nội ước đạt 2,74%. Giá trị canh tác nông nghiệp đạt 231 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,6 triệu đồng. |
Chăm sóc hoa hồng tại huyện Mê Linh. Ảnh: Chiến Công
|