Trang trại của anh Nguyễn Đại Thắng, thôn Phú Nghĩa, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn nuôi 1.000 lợn và 1.000 con gà nhưng không bốc mùi khó chịu thường thấy ở các chuồng trại chăn nuôi khác. Anh Thắng cho biết, toàn bộ nền chuồng được trải bằng đệm lót sinh thái gồm mùn cưa, bột ngô và chế phẩm lên men sinh học. Lớp đệm lót này sẽ xử lý toàn bộ phân thải của lợn, gà nên chuồng trại luôn sạch sẽ. Đặc biệt, với cách làm này, lợn ít bị bệnh, thịt chắc và giá bán cao hơn 30 - 50% so với cách nuôi thông thường. Nhờ đó, thu nhập bình quân từ trang trại chăn nuôi lợn, gà theo hướng sinh học của anh Thắng đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại trang trại của anh Nguyễn Đại Thắng, xã Minh Phú.
Tương tự, một số hộ nông dân xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn đã sử dụng thức ăn sinh học để nuôi lợn. Trong đó, hộ đầu tiên áp dụng phương pháp này là anh Dương Văn Hanh, thôn Tân Lương. Anh Hanh cho biết, thức ăn sinh học có thành phần dược liệu nên giúp lợn tăng sức đề kháng, ít bị bệnh, thịt đảm bảo an toàn nên giá bán đạt 70.000 đồng/kg, cao hơn gần 20.000 đồng/kg so với lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Với quy mô chăn nuôi 150 con/lứa, thu nhập từ nuôi lợn của anh Hanh đạt 200 - 300 triệu đồng/năm. Anh chia sẻ, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, anh có khoảng 40 con lợn xuất chuồng.
Bà Ngô Thị Thúy, cán bộ khuyến nông xã Hiền Ninh cho biết, sử dụng thức ăn sinh học giúp cho thịt lợn dai, thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, xã Hiền Ninh có chủ trương nhân rộng mô hình chăn nuôi sử dụng thức ăn sinh học để giúp cho người nông dân phát triển chăn nuôi bền vững. Mới đây, xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức tập huấn cho hơn 40 hộ dân về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học.
Các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đang cho thấy hiệu quả rõ rệt cả về mặt kinh tế và môi trường. Nếu mô hình được nhân rộng sẽ góp phần cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay người nông dân đang gặp nhiều khó khăn như vốn xây dựng chuồng trại và mua thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, đầu ra cho sản phẩm... Chính vì vậy, để nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, cần có sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành cho người nông dân.