Hướng đi mới cho hàng Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số doanh nghiệp (DN) trong nước đang đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng cao cấp, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại. Đây là phân khúc thị trường khá mới cho hàng Việt trong nỗ lực tìm chỗ đứng trên thị trường nội địa.

Tự tin với phân khúc mới

Thời gian gần đây, người tiêu dùng (NTD) thường chọn mua giày dép cao cấp nhãn hiệu Gosto do Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Bitis) sản xuất. Với sản phẩm thời trang nam cao cấp, nhiều NTD quan tâm đến áo sơ mi thương hiệu San Sciaro hoặc Manhattan do Tập đoàn Perry Ellis International của Mỹ nhượng quyền cho Tổng Công ty CP May Việt Tiến.

Không chỉ có Bitis, Việt Tiến lựa chọn việc sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp làm hướng đi cho hàng Việt, mà nhiều thương hiệu như gốm sứ Minh Long, túi xách và vali Miti, nữ trang cao cấp PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận), nhựa Đại Đồng Tiến, Song Long... cũng có chiến lược sản xuất tương tự khi liên tục đưa ra thị trường những mẫu mã sản phẩm cao cấp.

 
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm giày dép cao cấp của Bitis. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm giày dép cao cấp của Bitis. Ảnh: Hoài Nam
Mặc dù là cao cấp, chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu nhưng giá bán những mặt hàng này chỉ bằng 70 - 80% hàng nhập khẩu. Đại diện Công ty Nhựa Song Long cho biết: Những sản phẩm Việt Nam cao cấp hiện đã phần nào chiếm lĩnh được thị trường không chỉ bởi ưu thế về giá bán luôn thấp hơn hàng nhập ngoại mà còn cả bằng chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Chẳng hạn tủ nhựa Song Long có giá từ 0,8 -1,2 triệu đồng/chiếc, trong khi tủ nhựa do Đài Loan sản xuất giá từ 1,2 - 5,4 triệu đồng/chiếc. Giá các mặt hàng thời trang San Sciaro, Manhattan, Pierre Cardin… có giá từ 700.000 đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm, gốm sứ Minh Long có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/một bộ đồ pha trà, rẻ hơn hàng nhập khẩu từ 30 - 35%.

Giá thành rẻ, chất lượng lại không thua kém hàng ngoại, nên sản phẩm nội từng bước đẩy lùi được hàng sản xuất ở Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc...

Dày công đầu tư

Để những sản phẩm cao cấp của Việt Nam được NTD chấp nhận, đa số DN đều đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng tìm phân khúc thị trường riêng để từ đó đưa ra những dòng sản phẩm phù hợp. Đại diện Công ty Bitis cho biết: Để có được dòng sản phẩm giày dép cao cấp Gosto, Bitis  đã tổ chức riêng một đội ngũ quản lý, thiết kế cho nhãn hàng này; Ngay cả lượng sản phẩm cũng chỉ được sản xuất với số lượng có hạn, qua đó tạo sự độc đáo cho loại sản phẩm cao cấp này.

Đối với May Việt Tiến, để sản phẩm áo sơ mi có chỗ đứng trong dòng hàng cao cấp, Tổng Công ty đã chú trọng đến chất liệu sản xuất  và quản lý chất lượng sản phẩm. Đối với áo sơ mi nhãn hiệu San Sciaro, Manhattan đều được may bằng vải 100% cotton, nguồn bông cao cấp nhập khẩu từ Mỹ, Thụy Sĩ, Ai Cập… có tính năng mềm mại, mượt, hút ẩm, chống bám bụi, bám bẩn, thoáng mát, ít nhăn và dễ giặt ủi, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Đại diện Việt Tiến cho biết: Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất gia công cho các tập đoàn và thương hiệu thời trang nổi tiếng đã giúp Việt Tiến trong việc nắm bắt thị hiếu NTD trong nước khi phát triển dòng hàng cao cấp, về kỹ thuật may cũng như mẫu mã, chất liệu sản phẩm.

Bênh cạnh việc chú trọng đầu tư cơ sở sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, với mục tiêu đưa hàng phủ khắp các trung tâm thương mại lớn, các DN sản xuất hàng Việt Nam cao cấp đều đẩy mạnh hoạt động quảng bá. Chẳng hạn, Song Long ngoài việc tích cực đưa hàng vào siêu thị còn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 500 mặt hàng tại thị trường trong nước và quốc tế như Lào, Trung Quốc… Để giới thiệu thương hiệu nữ trang CAO Fine Jewellery, Công ty PNJ đã chấp nhận đầu tư những khoản tiền lớn để thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại lớn - nơi trước đây vốn chỉ dành cho các sản phẩm thương hiệu ngoại nhập khẩu.

Để các sản phẩm cao cấp Việt Nam cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, Nhà nước cần có những ưu đãi cho DN tiên phong, tích cực tuyên truyền mạnh hơn nữa để người Việt tự hào khi sử dụng hàng Việt. Tuy nhiên, chính bản thân DN trong quá trình sản xuất hàng hóa cần có sự lựa chọn đầu tư sâu rộng cho một số sản phẩm là mặt hàng chủ lực. Đồng thời, mỗi DN cần cập nhật và đầu tư công nghệ mới để có những sản phẩm có tính năng vượt trội, đón đầu xu thế tiêu dùng, đẩy mạnh quảng bá để sản phẩm đến gần hơn nữa với NTD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần