Hướng đi mới phát triển du lịch ở Thường Tín

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường Tín là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi và được biết đến với “đất danh hương, đất trăm nghề”.

Đến nay, Thường Tín chú trọng, quan tâm đầu tư phát triển du lịch đặc thù nhằm khai thác tối đa lợi thế về văn hóa truyền thống.

Tiềm năng sẵn có

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết: Thường Tín là một trong những huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội, có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa. Ngoài hàng trăm nghề truyền thống, huyện còn có 68 nhà khoa bảng được ghi danh qua các triều đại phong kiến.

Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái luôn thu hút du khách đến tham quan, mua sắm. Ảnh: Nguyễn Trường
Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái luôn thu hút du khách đến tham quan, mua sắm. Ảnh: Nguyễn Trường

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Tín có quần thể di tích, văn hóa đồ sộ với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 65 di tích cấp TP). Trong đó, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như chùa Đậu; đền, bến Chương Dương; đền thờ Nguyễn Trãi.

Gắn liền với các di tích là lễ hội tiêu biểu. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 lễ hội quy mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức thường xuyên. Có những lễ hội tiêu biểu và đặc sắc như lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), lễ hội làng Từ Vân (xã Lê Lợi), lễ hội Chùa Mui (Tô Hiệu), lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất)…

Không chỉ nổi tiếng cả nước là vùng “đất danh hương”, Thường Tín còn là vùng đất trăm nghề. Toàn huyện hiện có 126 làng cổ có nghề, trong đó 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống và 1 làng nghề Hà Nội. Nhiều nghệ nhân được Nhà nước và các tổ chức phong tặng các danh hiệu, trong đó có 2 nghệ nhân Nhân dân.

Cùng với đó, Thường Tín còn là vùng đất có kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú được thể hiện thông qua văn học nghệ thuật, phong tục, tập quán, truyền thuyết… gắn liền với di tích, danh thắng, mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc và riêng biệt của địa phương. Toàn huyện có 129 di sản, là một trong những huyện có nhiều di sản trong danh mục di sản văn hóa của TP Hà Nội.

Những năm gần đây, Thường Tín quan tâm thực hiện một số dự án như xây dựng, phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình văn từ Thượng Phúc, xã Văn Bình với 50 tỷ đồng từ kinh phí xã hội hóa; thi công dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, xã Nhị Khê trên khu đất 2,7ha có tổng mức đầu tư 144 tỷ đồng từ kinh phí xã hội hóa.

Trưởng phòng Văn hóa huyện Thường Tín Đặng Hữu Hiệp chia sẻ, với tiềm năng sẵn có, trong những năm qua, Thường Tín xác định được thế mạnh để phát triển du lịch của huyện là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh gắn liền với làng nghề truyền thống. Đây sẽ là điểm nhấn, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Xây dựng thương hiệu

Hiện nay, việc phát triển du lịch văn hóa đã và đang được huyện Thường Tín tích cực triển khai thực hiện, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, huyện tích cực tuyên truyền, quảng bá vùng đất danh hương, đất làng nghề.

Huyện cũng phối hợp với Sở Du lịch lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch, mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên du lịch. Cùng với đó, đưa DN về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng thêu Quất Động, làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân.

Huyện đã hoàn thành hệ thống tư liệu video và ảnh bằng công nghệ hiện đại về tiềm năng du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái. Phối hợp với các đơn vị có liên quan của TP lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình văn từ Thượng Phúc, dự án khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến các điểm du lịch trên địa bàn Thường Tín đạt khoảng 35.000 lượt khách. Riêng xã Hồng Vân - xã đạt chuẩn OCOP 4 sao du lịch của TP thường xuyên tiếp đón đoàn khách các quận, huyện trên địa bàn TP về tham quan, học tập mô hình phát triển du lịch sinh thái.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, huyện tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, xác định cụ thể những giải pháp đồng bộ, thiết thực.

Trong đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu các thành tựu văn hóa, nghệ thuật, sản phẩm đặc thù của địa phương, danh lam thắng cảnh với Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Tạo điều kiện khai thác giá trị văn hóa vùng đất địa linh nhân kiệt, giá trị các di tích lịch sử văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, huyện chú trọng thu hút, đầu tư các nguồn lực. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, duy trì, phát huy các sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn.

 

Ngoài các di tích lịch sử văn hóa đã được đầu tư xây dựng, trùng tu trong những năm qua bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và nguồn xã hội hóa, năm 2023, huyện Thường Tín tiếp tục quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng trùng tu, cải tạo, sửa chữa 15 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp TP nằm rải rác trên toàn địa bàn huyện.