Hướng đi nào cho báo chí thời đại dịch Covid-19?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn “Kinh tế báo chí - Nhìn từ đại dịch Covid- 19” là nơi các chuyên gia, các nhà quản lý, những người đứng đầu cơ quan báo chí thảo luận và đề xuất giải pháp hỗ trợ báo chí hiện nay.

Kể từ khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 đến nay, báo chí đã đồng hành cùng các cơ quan chức năng chống dịch. Thông tin của báo chí nhanh chóng, kịp thời và chính xác, đóng góp tích cực và có hiệu quả cho cuộc chiến chống Covid- 19. Trên trận tuyến ấy đã có nhà báo bị nhiễm Covid-19 trong khi tác nghiệp - rủi ro, mạo hiểm với tính mạng của bản thân và gia đình.
Báo chí luôn xuất hiện ở các điểm nóng về Covid-19.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng đang thực sự là giọt nước tràn ly, khiến bài toán kinh tế báo chí không hề dễ giải với những tòa soạn báo hiện nay. Báo in giảm phát hành, báo điện tử mặc dù có lượng người đọc tăng vọt nhưng quảng cáo giảm thậm chí không có, vì doanh nghiệp khó khăn, các hợp đồng truyền thông đã ký trước cũng bị đình lại. Nguồn thu của các báo đài truyền hình bị sụt giảm do các doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn thu quảng cáo giảm mạnh.
Chính vì thế, Diễn đàn "Kinh tế báo chí - Nhìn từ đại dịch Covid 19" do báo Nhà báo & Công luận tổ chức không chỉ là nơi tôn vinh, động viên những nhà báo đang ở tuyến đầu chống dịch, các cơ quan báo chí tiên phong trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19, đồng thời tìm kiếm giải pháp gỡ khó cho báo chí trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh.
Tham gia Diễn đàn gồm các vị khách mời tại trường quay như: TS Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay; Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị.
Ngoài ra, còn có một số khách mời tham gia chương trình trực tuyến như: Nhà báo Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động; Nhà báo Nguyễn Bá Kiên - Tổng Biên tập Báo Giao thông; Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh - Tổng Biên tập Tạp chí Người đưa tin Pháp luật.
Muôn vàn khó khăn vì Covid19

Nói về sự ảnh hưởng của Covid-19 đối với báo chí trong nước, TS Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, đại dịch này đã tạo ra một tác động tiêu cực lớn chưa từng thấy từ trước đến nay. Không chỉ đơn thuần như những lần khó khăn trước đây khi chỉ tập chung vào mặt kinh tế thì hiện nay còn nan giải ở cả vấn đề đầu vào và đầu ra, từ sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm báo chí.
TS Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam
Một ví dụ điển hình cho khó khăn của báo chí ở thời điểm hiện tại là báo Phụ nữ Thủ đô đã phải tạm thời đình bản hai ấn phẩm báo in.
Không chỉ báo in, các thể loại khác như báo hình, báo nói, báo điện tử cũng đều chịu chung tác động. Có thể kể đến như không bán được báo khiến doanh thu giảm, doanh nghiệp khó khăn dẫn đến doanh thu quảng cáo cũng mất một số lượng lớn. Tuy nhiên, các tòa soạn vẫn phải trả lượng, nhuận bút cho lực lượng nhân sự tác nghiệp liên tục mỗi ngày.
Đây cũng đang là bài toán nan giải của rất nhiều Tổng Biên tập các cơ quan báo chí. Thực tế ở thời điểm này, báo chí rất cần sự hỗ trợ từ mặt chính sách đề vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn này, ông Trần Bá Dung khẳng định.
Có cùng nhận định, Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày Lưu Quang Định chia sẻ đơn vị của mình cũng đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Đây giống như "một tiếng sét đánh giữa trời quang" mà không ai có thể hình dung được. Chỉ tính riêng trong quý I/2020, doanh thu của báo đã giảm tới 30%.
Với gần 15 năm giữ cương vị Tổng Biên tập, tôi đã cùng báo Nông thôn Ngày nay trải qua rất nhiều khó khăn chung của làng báo, có thể kể đến các giai đoạn 2011 hay 2016. Tuy nhiên những lúc đó, chỉ có cơ quan báo chí khó khăn, còn xung quanh như cộng đồng doanh nghiệp đều tốt cả nên việc báo chí phục hồi là có thể chắc chắn. Nhưng bây giờ thì trái ngược, báo chí lại gặp khó khăn nhưng tất cả mọi ngành nghề khác cũng có hoàn cảnh tương tự.
Thời điểm này, báo chí không thể dựa vào ai được mà chỉ còn cách tự dựa vào chính mình mà thôi, ông Lưu Quang Định tâm sự.

Cũng nhận thấy những khó khăn do Covid-19 mang lại nhưng theo Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức, đại dịch lại là lúc báo chí thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết vai trò của mình khi sát cánh cùng các cơ quan chức năng trong công tác thông tin, phòng chống dịch.

Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức,
Riêng với báo Kinh tế & Đô thị, kể từ thời điểm bắt đầu dịch Covid-19, mỗi phóng viên đã thể hiện như một chiến sĩ trên mặt trận báo chí, bất kể ngày đêm, không quản mưa gió lẫn rủi ro có thể gặp phải khi tác nghiệp.
Qua đợt tuyên truyền chống dịch như hiện nay, tôi thấy rằng nếu như ngày trước nhà báo mang một tinh thần bất khuất, hết mình vì Tổ quốc khi lên đường vào Nam để phản ánh tình hình chiến trận như thế nào thì hiện nay tinh thần đó vẫn được giữ nguyên. Mặc cho đời sống có thể bị tác động, bị giảm thu nhập nhưng trách nhiệm nghề nghiệp vẫn được thể hiện rõ ràng, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Giải pháp thời dịch của cơ quan báo chí

Trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu khó khăn như hiện nay đã buộc một số cơ quan báo chí phải đưa ra quyết sách "thắt hầu bao" với chính bản thân và người lao động của mình. Cùng với đó câu hỏi hướng đi nào để tồn tại trong giai đoạn hiện tại cũng như hướng phát triển thời kỳ sau dịch cũng đang cần lời giải đáp.

Chia sẻ về giải pháp thời dịch Covid-19 của báo Nông thôn Ngày nay, nhà báo Lưu Quang Định khẳng định sẽ không sa thải bất cứ cán bộ nhân viên nào. Và đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu được báo đặt ra trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, với mức doanh thu sụt giảm từ 40 - 50%, phương án cắt giảm thu nhập đã bắt buộc phải tính tới. Theo đó, mức giảm sẽ trung bình sẽ là 20% với những khoản nhu phụ cấp nội bộ, thù lao biên tập...

Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay Lưu Quang Định.
Nhìn chung anh em trong tòa soạn đều rất chia sẻ và đều tự động viên nhau trong thời điểm khó khăn này mà có mức giảm như vậy là đã rất tốt rồi, ông Lưu Quang Định chia sẻ.

Còn về lâu dài, chúng tôi sẽ tập trung hơn vào các mảng kinh doanh khác, có thể kể đến như Trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản mới được thành lập năm 2019. Thay vì giữ nguyên chức năng là trợ giúp người nông dân thông qua bài viết, giới thiệu sản phẩm thì sắp tới Trung tâm sẽ trực tiếp tham gia giúp họ trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Đây được coi là hướng đi lâu dài của báo Nông thôn Ngày nay, ông Lưu Quang Định khẳng định.

Còn theo Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức, các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nghịch lý là mặc dù có cơ chế tài chính giống như doanh nghiệp nhưng không thể vì kinh tế khó khăn mà bỏ hay dừng nhiệm vụ chính là sản xuất tin, bài, xuất bản báo lại được.

Để đối phó với những khó khăn, báo Kinh tế & Đô thị đã cắt giảm 15% đối với các khoản chi phí thường xuyên không cần thiết và giữ nguyên lương, nhuận bút của các bộ công nhân viên. Tuy nhiên, nếu tình hình xấu hơn, câu chuyện cắt giảm sẽ phải tính tới.

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Minh Đức cũng chia sẻ thêm, với trường hợp của báo Kinh tế & Đô thị, qua đợt tuyên truyền dịch lần này, đơn vị đã nhận được sự động viên kịp thời của Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Điều này thể hiện qua các quyết định khen thưởng phóng viên tác nghiệp đặc biệt là thành phố cam kết sẽ có kinh phí hỗ trợ cho công tác tuyên truyền chống dịch Covid-19.

Với thực trạng hiện nay, tôi cho rằng Chính phủ, địa phương cùng các cơ quan chức năng cần có những chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ về mặt kinh phí cho các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Minh Đức khẳng định.

Tôi cho rằng, chính trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 mạng lại cũng vẫn nảy ra được những cơ hội mới. Có thể kể đến như lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin hay lĩnh vực bán lẻ đang có tăng trưởng rất tốt trong mùa dịch. Do đó, báo chí cũng tăng cường tìm cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, báo chí cũng cần đa dạng hóa nguồn thu, tính tới hiện tại Kinh tế & Đô thị mới có 3-4 nguồn thu, trong khi theo một nghiên cứu, báo chí có đến 12 nguồn thu. Việc có nhiều nguồn thu sẽ giúp các cơ quan báo chí trụ vững và phát triển mạnh trong tương lai, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Tự mình phải cứu lấy mình, do đó các tòa soạn cần phải có phương án tài chính dài hạn, điều này đồng nghĩa với việc một Tổng Biên tập vừa phải có chuyên môn giỏi vừa phải đảm nhận vai trò quản lý tài chính giỏi.

Với mô hình báo chí của Việt Nam là không có báo chí tư nhân, do đó việc đặt hàng của Nhà nước với báo chí là rất cần thiết. Để làm tốt điều này, cần phải ban hành cũng như thực hiện tốt cơ chế đặt hàng của các cơ quan Nhà nước với báo chí, nhà báo Nguyễn Minh Đức đề xuất.

Còn về lâu dài, tôi xin kiến nghị Chính phủ, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam cần xây dựng chính sách bền vững về tài chính cho các cơ quan báo chí. Chính đợt dịch Covid-19 này đã làm lộ ra rõ điểm yếu của kinh tế báo chí nhưng cũng chính là cơ hội để chúng ta sửa đổi để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần