Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng nào để doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19?

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều gợi mở để DN tránh đứt gãy, duy trì sản xuất, trụ vững trước ảnh hưởng của Covid-19 đã được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm online “Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thời Covid-19” tối 27/8

Sự kiện do Công ty CP Đào tạo và Phát triển Nhân lực DGroup, CLB Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), cộng đồng doanh nhân Việt Nam tổ chức với sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp, doanh nhân.
Sự kiện thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia.
CEO Lê Dung - Ủy viên BCH Hanoisme, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực DGroup nhận định, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó cộng động DN, doanh nhân gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc làm, an sinh của người lao động khó có thể duy trì... Do đó, mục đích của tọa đàm trực tuyến “Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp SMEs thời Covid-19nhằm chia sẻ kinh nghiệm để DN có giải pháp cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bên bờ phá sản
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19, trong 7 tháng năm 2021, gần 80.000 doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường. Từ nay đến hết năm, nếu Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, số lượng DN phá sản cũng ở mức 100.000. Hiện mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp phá sản. Trường hợp nếu không kiểm soát được dịch bệnh, sẽ có khoảng 150.000 doanh nghiệp phá sản trong năm nay.
Hoàn thiện sản phẩm trong phẩn xưởng của Tập đoàn SUNHOUSE.
Nếu DN muốn, sẽ tìm ra cách. Chỉ cần vận dụng những kênh thông tin đến từ các cộng đồng, hiệp hội, báo chí... sẽ có giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho chính DN của mình, vững vàng vượt qua mùa dịch...
CEO Lê Dung - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dgroup
Nguyên nhân chính là DN bị mất tính thanh khoản, khả năng chi trả. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, tiền bạc với DN giống như máu trong bộ máy tuần hoàn cơ thể con người. Thiếu tiền bạc, mất thanh khoản giống như cơ thể mất máu dần và dẫn đến cái “chết”. Một DN mất thanh khoản cũng sẽ kéo theo các đối tác của họ không thu xếp được dòng tiền và mất thanh khoản theo sau đó.
Ngoài ra với hàng tồn kho, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay, giao thông bị ngăn trở, sức cầu kinh tế thấp trong khi nguồn cung có sẵn, như nông sản tràn trề ở Đồng bằng sông Cửu Long, mùa lúa này rất tốt nhưng ngay cả xuất khẩu cũng gặp khó, khiến DN có hàng hóa cũng không thể có dòng tiền. Đó là bức tranh ảm đạm hiện tại.
Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Thuận - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Traphaco, khó khăn tựu chung nhất của DN chính là sức mua của người dân giảm nhiều. Do thực hiện giãn cách, đi lại khó khăn, người dân chỉ sử dụng những dịch vụ, sản phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, với DN, chi phí sản xuất, phân phối là rất lớn, như: Sản xuất 3 tại chỗ, xét nghiệm cho lái xe, người lao động... Chi phí tăng trong khi doanh thu giảm, để lo cho người lao động là rất khó khăn.
Đừng ngồi yên chịu trận
Những khó khăn về Covid-19 đã được các DN và chuyên gia nhìn nhận, đánh giá. Để vượt khó dịch bệnh Covid-19, DN buộc phải đối mặt với nó. Bà Vũ Thị Thuận cho hay, DN luôn trên tinh thần tích cực chống dịch để duy trì sản xuất, mọi mặt đều không lơi là. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, DN phải áp dụng nhanh, biến khó khăn thành thách thức để vượt qua, chuyển đổi hình thức làm việc, quản trị.
“Bản thân DN phải xem lại toàn bộ quy trình làm việc, các bộ phận của mình. Hiện là cơ hội để DN cải tiến, có những sáng kiến để hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tăng năng suất lao động; cắt giảm chi phí không cần thiết để ứng dụng cho công nghệ” – nữ doanh nhân nói.
Sự chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi giữa các chuyên gia, khách mời gợi mở cho DN
Để ứng phó sau khi dịch bệnh phục hồi, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, DN nên có kế hoạch về chiến lược phát triển, kế hoạch tài chính dưới những giả định về dịch bệnh khác nhau, ngay từ bây giờ. Rõ ràng, không thể ngồi yên chịu trận trước tác động của dịch bệnh. Vậy kế hoạch về bán hàng ra sao, cách tiếp cận thế nào? Như bất động sản có thể tạo một kênh giới thiệu, bán hàng ảo, dẫn khách hàng đi xem qua công nghệ…
Những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ về tài chính cho DN đều được các chuyên gia kiến nghị sớm thực hiện, để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Phó Chủ tịch Hanoisme Mạc Quốc Anh cho biết, cần tiếp tục miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập DN; tạo điều kiện cho DN tiếp cận tài chính để phục vụ kinh doanh; cho phép giãn nợ năm 2021-2022. Đặc biệt, có thể hỗ trợ DN các chi phí chống dịch như xét nghiệm, phun khử khuẩn; sớm triển khai tiêm vaccine cho người lao động, nhất là các DN triển khai vận chuyển, sản xuất bán hàng trực tiếp cho người lao động.
Hiện nay, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, điều này khiến hoạt động giao thương hàng hóa bị ách tắc, do đó, ông Mạc Quốc Anh thẳng thắn nhìn nhận, các chính sách phải dài hơi hơn. Trong đó, các chính sách về giãn, hoãn, tạo thị trường cần sớm thực hiện mới tạo sự liên kết mạnh mẽ hỗ trợ để DN vực dậy.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, các giải pháp về thuế, tài chính, thủ tục hành chính chỉ là giải pháp căn cơ, còn giải pháp trước mắt phải là làm sao để DN lưu thông hàng hóa. Nhiều đối tác nước ngoài đã dừng giao thương với Việt Nam vì những lý do dịch bệnh. Hàng hóa ứ đọng, sản xuất đình trệ, nên DN rất cần sự hỗ trợ.
“Chỗ nào đã khoanh vùng, tạo được vùng xanh thì Nhà nước có thể cân nhắc cho giao thương bình thường để hàng hóa được lưu thông. Với DN, khó khăn nhất là không bán được hàng. Sản xuất ra hàng hóa mà không lưu thông được thì DN không có dòng tiền, tài chính không thông suốt” - ông Mạc Quốc Anh đề xuất. Rõ ràng, Covid-19 đang siết chặt hơn ngưỡng chịu đựng của người dân, DN về hàng hóa, về dòng tiền. Các chuyên gia cho rằng, để vượt qua khủng hoảng, ngoài giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, việc xây dựng lại nội lực bằng ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược để phục hồi của DN cũng là điều hết sức cần thiết.
 
Đại biểu HĐND TP Hà Nội, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hanoisme:
Đúng và trúng, song vai trò kết nối nên phát huy
Tôi cho rằng, điều quan trọng phải mổ xẻ DN đang khó khăn ở đâu, nhất là do tác động của dịch. Các chính sách đã trúng và đúng, song DN đang còn gặp khó với việc tiếp cận, về góc độ của Hanoisme nên sớm bắt tay, kết nối để tiếp sức, hỗ trợ cho DN thụ hưởng trong khó khăn. Đơn cử, mặc dù ngân hàng thực hiện việc giảm lãi suất, hoãn, giãn tiến độ nhưng cần có những giải pháp căn cơ, nghiêm túc và sớm nhất để DN có thể gỡ khó, có nguồn vốn để duy trì, có cơ hội trong thời cơ mới.
Tuy nhiên, DN cũng cần nhìn nhận lại bản thân, tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm những khoản không cần thiết. Đây là thời gian tốt nhất để chúng ta tái cơ cấu lại và tìm ra hướng đi mới bằng công nghệ.
Bên cạnh đó, áp lực rất lớn với các DN. Có DN được người lao động đồng hành, có người lao động cũng tình nguyện 1 tháng làm 10 ngày... để sẻ chia. Do đó, cần sự đồng hành của nhân sự, cũng là cơ hội cắt bỏ những nhân sự theo quy định một cách nhân văn. Rõ ràng sự nỗ lực cũng từ hai phía... Đó là thời gian rà soát sự không hiệu quả khi sử dụng lao động trong DN ở bất cứ lĩnh vực nào, đồng thời mở ra cơ hội cho nhân sự mới có thể đáp ứng được sự duy trì, trụ vững, đón đầu cơ hội mới, để có những chiến lược phát triển trong bình thường mới.