Hướng thoát nghèo cho người dân miền núi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khánh Thượng - xã miền núi của huyện Ba Vì, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mường, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Cuộc sống của người dân nơi đây phần lớn dựa vào nghề trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi nhỏ lẻ.

 Tuy nhiên, với vùng đồi núi có nguồn nước suối dồi dào lại là một lợi thế cho Khánh Thượng phát triển kinh tế. Để tận dụng và phát huy tiềm năng đó giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì triển khai mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xã Khánh Thượng.
Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì kiểm tra mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xã Khánh Thượng.        Ảnh: Sa Chi
Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì kiểm tra mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xã Khánh Thượng. Ảnh: Sa Chi
Gia đình ông Hà Văn Vận được chọn làm mô hình nuôi thí điểm với quy mô 50m3, gồm 500 con cá tầm giống, trọng lượng 100g/con, thời gian triển khai từ tháng 4 - 12/2013. Sau khi được tập huấn kỹ thuật nuôi cá, theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông, Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì, gia đình ông Vận đã tiến hành thiết kế đường ống dẫn nước, bể nuôi. Bể được thiết kế hệ thống đường ống nước vào dạng phun mưa nên hàm lượng oxy hòa tan cho cá luôn đảm bảo, bên cạnh đó, còn có ống xả nước tầng mặt và tầng đáy để thuận tiện cho việc dọn vệ sinh. Đặc biệt, nước vào bể nuôi được dẫn từ nguồn nước suối về nên có sự đối lưu vào, ra suốt ngày đêm không tốn chi phí tiền điện và tạo môi trường nước luôn sạch cho cá tầm phát triển. Trong suốt thời gian triển khai dự án, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì thường xuyên có mặt kiểm tra, hướng dẫn việc chăm sóc…

Bằng quyết tâm của các cán bộ dự án, sự đồng lòng của người thực hiện nuôi thí điểm, kết quả mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại hộ gia đình ông Hà Văn Vận bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Theo đó, đàn cá sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, môi trường tại Khánh Thượng. Sau 6 tháng nuôi, khi thu hoạch trừ mọi chi phí đầu vào, nhân công... đã cho lợi nhuận bình quân mỗi bể nuôi xấp xỉ 40 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao so với sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. 

Thành công bước đầu của mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xã Khánh Thượng là điều kiện thuận lợi để các vùng có nguồn nước suối trên địa bàn Hà Nội phát triển nghề nuôi cá tầm. Đây cũng là hướng đi giúp người dân xã Khánh Thượng phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh địa hình của địa phương, đặc biệt là tạo điều kiện cho việc nhân rộng mô hình, mở ra hướng đi mới giúp cho người dân nơi đây thoát nghèo.