Hướng tới một thành phố đáng sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thành phố đáng sống” – Khái niệm ấy đang được các cấp, các ngành và Nhân dân Thủ đô đang nỗ lực để biến điều đó thành hiện thực.

Qua hai năm “Trật tự và văn minh đô thị” 2014, 2015 đã đạt được những kết quả khả quan, tạo nền tảng và kinh nghiệm quan trọng để bước vào năm 2016 nhiều thành công hơn, đúng như định hướng của Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội khóa XVI và Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng đề ra.

Chuyển biến từ ý thức

Thật khó mà điểm hết được những “đầu việc” mà TP làm được sau 2 năm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Chỉ có một “đề bài” như vậy, nhưng đòi hỏi sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị, để làm sao thực hiện tốt 3 nhiệm vụ chủ yếu: Ðảm bảo trật tự mỹ quan đô thi, vệ sinh môi trường để thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp; Ðảm bảo trật tự an toàn giao thông, đảm bảo đường thông, hè thoáng và Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Hướng tới một thành phố đáng sống - Ảnh 1
May mắn được theo chân từ các đồng chí lãnh đạo TP đến những cán bộ tâm huyết ở cơ sở, chúng tôi đều cảm nhận được rõ quyết tâm ấy. Không chỉ là chuyện về cơ chế chính sách, nguồn lực, trình độ cán bộ, mà còn có biết bao băn khoăn, tâm tư phải cởi gỡ. Như việc chiếc vỉa hè làm quá cao, vừa không đẹp, vừa gây khó khăn cho phương tiện đi lại; việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm sẽ ảnh hưởng đến dân sinh, phải bố trí chỗ kinh doanh buôn bán cho bà con thế nào; hay tháo biển hiệu quảng cáo giá trị đến cả trăm triệu đồng, nhưng mất mỹ quan như thế liệu có hợp lý?

Tất cả đều phải nâng lên, đặt xuống, cân nhắc, bàn thảo kỹ lưỡng. Hay như việc sắp xếp các địa điểm kinh doanh, tháo dỡ mái che, mái vẩy, cũng không đơn giản. Nhà dân, cửa hàng cần có mái che, vậy tháo dỡ phải đi cùng với việc hướng dẫn người dân làm mái che, mái vẩy cho phù hợp với kiến trúc đô thị và phù hợp với khả năng kinh tế của người dân. Làm sao cho mỗi ngõ phố đều ngăn nắp trật tự, mà còn  để người dân tự giác chấp hành, chứ không phải thấy lực lượng chức năng là lại rầm rập thu dọn như chạy loạn.

Cảm nhận này càng rõ rệt hơn khi chúng tôi về phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm – địa bàn cách đây gần hai năm còn là làng xã. Không chỉ ở trên trục đường chính khang trang, nền nếp như Hoàng Quốc Việt, mà hình ảnh văn minh đô thị còn lan tỏa đến từng ngõ, phố. Chẳng thế mà ghé vào quán cà phê nhỏ bên đường, chị chủ quán nhất quyết yêu cầu phải dựng xe máy ngay ngắn vào bên trong vạch vôi, bởi “bây giờ quận, phường làm nghiêm lắm, kiểm tra liên tục. Mỗi người ý thức một tí, trông hè phố cũng trật tự, văn minh hơn nhiều”.
Ảnh: Thanh Hải
Ảnh: Thanh Hải
Ðẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. Ưu tiên và đa dạng hoá hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm là: hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn và giữa các trục giao thông đầu mối; hạ tầng ngành điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng thủy lợi đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạ tầng đô thị lớn hiện đại, đồng bộ, từng bước đáp ứng chuẩn mực đô thị xanh của một nước công nghiệp”.
Rõ ràng, công tác tuyên truyền, vận động đi đôi với giám sát, xử lý thường xuyên của các cơ quan chức năng đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân, không có chuyện “ký cam kết xong rồi để đấy”. Ông Nguyễn Văn Liên (tổ trưởng tổ Hoàng 14, phường Cổ Nhuế 1), người đã có thâm niên gần 20 năm làm Tổ trưởng cho biết, đúng là từ khi thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, tình hình chuyển biến hơn rất nhiều. Trước kia, mỗi khi đi tuyên truyền “toát mồ hôi” mà vẫn “đâu vào đấy”, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đi đôi với ký cam kết và kiểm tra, xử lý nên ý thức người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Khơi thông nguồn lực

Tại các buổi tiếp xúc cử tri cũng như hội nghị triển khai“Năm trật tự và văn minh đô thị” 2016 của Ban chỉ đạo 197 TP mới đây, bên cạnh biểu dương cố gắng của các cấp, các ngành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ðức Chung cũng thẳng thắn chỉ ra vấn đề chưa chuyển biến, hoặc chuyển biến còn chậm. Còn nhiều nơi nhếch nhác, đường phố bụi bặm. Còn những ngõ, phố chưa được sắp xếp, chỉnh trang. TP đánh giá đây không phải là việc dễ, không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực, mà còn từ ý thức, vào cuộc của Nhân dân. “Ðơn cử như việc bày bán hàng ra vỉa hè, lòng đường, nhà nào cũng muốn đua ra để bán được nhiều hàng hơn, nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Hai năm qua, TP đã tăng cường tuyên truyền, xử lý và sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ðức Chung khẳng định.
Hướng tới một thành phố đáng sống - Ảnh 2
Từ kinh nghiệm của năm 2014, 2015 cho thấy, việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” là một chủ trương đúng đắn, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của toàn xã hội. Nhận thức và ý thức hành động của mỗi người dân Hà Nội đã có sự chuyển biến, từ ở ngoài xã hội, công sở đến trong từng khu dân cư, gia đình. Khó khăn còn nhiều, nhưng đây chính là thuận lợi, nguồn lực lớn để xây dựng TP đã xanh hơn, sáng hơn, đẹp hơn, “thành một đô thị đáng sống” theo đúng nghĩa.

Ðiều đó cũng rất phù hợp với tinh thần Ðại hội lần thứ XVI Ðảng bộ TP Hà Nội và định hướng của Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng, là “Ðổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số đô thị lớn, nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị; chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị động lực phát triển kinh tế cấp quốc gia và cấp vùng, đô thị di sản, đô thị sinh thái, đô thị du lịch, đô thị khoa học.
9 nhiệm vụ thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị 2016

Thứ nhất: Xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nét đẹp ứng xử của Người Hà Nội, với phương châm dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện;

Thứ hai: Đẩy mạnh nếp sống “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”;

Thứ ba: Tổng kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh quy trình cấp phép xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo theo quy định của pháp luật;

Thứ tư: Thực hiện tổ chức giao thông, phân luồng để tiếp tục giảm  thiểu tình trạng ùn tắc;

Thứ năm: Tập trung tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển hiệu, quảng cáo, rao vặt, phá bỏ bục bệ, cầu dắt xe… làm mất mỹ quan đô thị, nhằm đảm bảo hè thông thoáng;

Thứ sáu: Tổ chức khảo sát, đánh giá và thực hiện cắt tỉa, trồng mới và thay thế các cây xanh không đảm bảo tiêu chuẩn, không đúng chủng loại cây xanh đô thị;

Thứ bảy: Tăng cường trang trí chiếu sáng đô thị, đầu tư thay thế chiếu sáng các tuyến đường;

Thứ tám: Tiếp tục rà soát, XD kế hoạch cụ thể để tiếp tục thực hiện hạ ngầm, sắp xếp, thanh thải đường dây cáp điện lực (khoảng 200 tuyến phố);

Thứ chín: Xây dựng kế hoạch và thực hiện có hiệu quả việc quản lý chỉnh trang đô thị  hai bên các tuyến đường mới mở; không để phát sinh các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” trên các tuyến đường mới tại địa bàn các quận, huyện, thị xã.