Hội thảo là dịp để phân tích thực trạng thị trường, xu hướng công nghệ vật liệu xây dựng (VLXD) mới, ứng dụng trong kiến trúc và công trình xây dựng; đồng thời lắng nghe ý kiến từ nhà sản xuất, DN kinh doanh VLXD về những bất cập, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ. Cùng với đó, nhận diện những thách thức cũng như thời cơ để kịp thời đưa ra chính sách khuyến khích phát triển phục vụ ngành VLXD, góp phần tạo giá trị cho quốc gia hoặc cảnh báo những nguy cơ xấu nếu có.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập báo Xây dựng nhấn mạnh, sản xuất và sử dụng VLXD có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành xây dựng và của ngành công nghiệp nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm vừa qua, ngành sản xuất VLXD đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở.
Giá trị VLXD thường chiếm 60 - 70% trong cơ cấu giá thành công trình xây dựng vì vậy chất lượng, giá thành VLXD quyết định rất lớn đến chất lượng và giá thành xây dựng công trình.
Các giải pháp, xu hướng công nghệ mới từ ngành VLXD rất đa dạng, từ đổi mới vật liệu truyền thống,cải thiện các tính năng sẵn có; đến tạo ra các tổ hợp vật liệu mới có thêm nhiều tính năng, đến vật liệu mới, tính năng hoàn toàn mới. Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng các loại vật liệu mới vẫn khó thâm nhập thị trường.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc cho biết, sản xuất VLXD đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. "Trong 15 năm qua, ngành VLXD phát triển mạnh mẽ, Việt Nam từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, đến nay đã từng bước phát triển, xuất khẩu một số loại VLXD đến nhiều thị trường trên thế giới” - Vụ trưởng Phạm Văn Bắc chia sẻ.
Ông Bắc cũng cho biết thêm, hiện nay, sản xuất VLXD có xu hướng phát triển các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến 2050.
Chiến lược được xây dựng trên 6 quan điểm, trong đó quan điểm phát triển vật liệu xây dựng hiệu quả bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới, quản lý vật liệu và sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, nhiên liệu, hạn chế ảnh hưởng môi trường là điều quan trọng.
Theo TS Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng, nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, tạo ra nhu cầu rất lớn về sản xuất và tiêu thụ VLXD. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ ở các lĩnh vực khác như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ hoá học giúp lĩnh vực sản xuất VLXD tăng năng suất, giảm chi phí và cho ra đời nhiều vật liệu mới, có tính năng ngày càng cao.
Để phát triển VLXD xanh, TS Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng nhấn mạnh, Nhà nước cần có biện pháp hành chính cần thiết được quy định trong văn bản pháp luật, ít nhất là trong nghị định, để thúc đẩy sử dụng VLXD thân thiện, cần nhất quán, quyết liệt hơn; gắn trách nhiệm cho các địa phương, kiểm tra, khen thưởng địa phương làm tốt, phê bình địa phương thực hiện chưa tốt.
Về khung kỹ thuật, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, sử dụng VLXD thân thiện, đặc biệt công trình xanh cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể. Cần bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động trong sử dụng VLXD thân thiện.