Chẳng biết nghề gói bánh chưng ở Tranh Khúc có từ bao giờ, chỉ biết, bánh chưng của Tranh Khúc có một hương vị rất riêng, mà chỉ ăn một lần, du khách sẽ nhớ mãi. Để làm được một chiếc bánh chưng thơm, ngon, đẹp mắt, người thợ làm bánh phải trải qua rất nhiều công đoạn tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng cầu kỳ, phức tạp, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu gói bánh, luộc bánh. Đầu tiên phải kể lá dong. Lá dong phải được lấy từ vùng núi Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An…, loại lá xanh và to bản, không rách, sau đó phải rửa sạch phơi thật khô mới được đem gói bánh. Gạo ngon nhất, thơm nhất và đạt tiêu chuẩn nhất vẫn là loại nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu (
Trước đây khi chưa có đậu vỡ sẵn, dân làng thường chọn loại đậu hạt tiêu, sẫm màu, ngon và thơm ngậy hơn loại đậu mỡ hạt to, lại bở và dẻo. Đậu sau khi đãi sạch sẽ được nấu lên như nấu cơm, rồi chắt hết nước luộc đi và đem đánh nhuyễn. Như thế đậu không còn cái mùi ngai ngái của đậu sống như ở một số nơi vẫn làm. Thịt lợn cũng phải là loại thịt ba chỉ, có đủ bì, mỡ, thịt, sau đó trần qua nước nóng trước khi thái để miếng thịt vừa sạch lại cứng, rồi mới ướp hạt tiêu, hành khô, mắm muối đầy đủ.
Khi gói bánh phải gói chặt tay, buộc chặt rồi luộc 8 - 10 tiếng. Trong lúc luộc, thường xuyên phải chú ý lửa lúc nào cũng phải cháy đều, không quá to cũng không quá nhỏ, để nước lúc nào cũng ngập hết mặt bánh. Bánh chưng ngon là khi cắt ra phải chắc nhưng hạt gạo mềm, lại thơm mùi đỗ xanh, hành khô và hạt tiêu.
Bánh chưng Tranh Khúc giờ đây đã theo chân người tiêu dùng đến khắp mọi miền đất nước và trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Và theo chân những người Việt đi nhiều nước trên thế giới như Úc, Đức, Nga...