Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hút doanh nghiệp đầu tư chế biến thực phẩm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những địa phương có năng lực sản xuất nông nghiệp lớn tại khu vực phía Bắc, tuy nhiên Hà Nội vẫn chưa thể tự chủ được nguồn cung thực phẩm chế biến.

Năng lực tự cung hạn chế

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có trên 1.900 cơ sở chế biến nông sản. Dù vậy có đến hơn 98% cơ sở chỉ có quy mô ở mức độ vừa và nhỏ. Toàn TP mới có khoảng 250 DN có năng lực chế biến sâu. Thiết bị máy móc của các cơ sở chế biến nông sản chủ yếu là bán tự động (chiếm 76,6% tổng số cơ sở). Dây chuyền công nghệ chế biến thủ công vẫn chiếm chủ yếu, trong khi công nghệ tự động chỉ chiếm gần 15%. Thiết bị máy móc phục vụ chế biến chủ yếu phục vụ xay, nghiền, rang, sấy, tạo hương, đóng gói…

Khách hàng chọn mua thực phẩm chế biến tại một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn
Khách hàng chọn mua thực phẩm chế biến tại một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn

Hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ bảo quản sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội cũng còn rất khiêm tốn. Toàn TP hiện chỉ có 113 kho lạnh nhưng trong số này chỉ có 7 kho lớn (quy mô gần 30.000m2), còn lại 106 kho có tổng diện tích chỉ hơn 5.300m2.

Với năng lực bảo quản còn nhiều hạn chế, trung bình mỗi tháng, Hà Nội chỉ sản xuất được khoảng 1.000 tấn thực phẩm chế biến. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong một tháng của gần 11 triệu người dân đang sinh sống tại Thủ đô vào khoảng 5.350 tấn. Điều này đồng nghĩa, nguồn cung thực phẩm chế biến của Hà Nội mới đáp ứng được gần 20% tổng nhu cầu hàng tháng.

Tăng cường kết nối giao thương

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm chế biến phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, UBND TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã ký kết Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND. Mục tiêu là đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm sản và thủy sản, giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, TP giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở nội dung ký kết giữa TP và Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chủ động trao đổi, hợp tác liên kết với Sở NN&PTNT của 43 tỉnh, TP trên cả nước theo đặc điểm, thế mạnh sản xuất nông nghiệp của từng địa phương. Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng chục nghìn tấn thực phẩm chế biến đã được đưa về tiêu thụ tại Hà Nội.

Bên cạnh việc kết nối đưa thực phẩm chế biến của các tỉnh, TP về tiêu thụ tại Thủ đô, các sở, ngành của Hà Nội cũng phối hợp nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa. Từ đầu năm 2022 đến nay, riêng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã thực hiện lấy 63 mẫu thực phẩm chế biến.

“Đối với các mẫu không đạt, cơ quan chức năng đã thông báo, cảnh báo kịp thời cho các tỉnh, TP để tiến hành truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân các mẫu vi phạm và có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho người dân Thủ đô” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP đẩy mạnh thực hiện các chương trình liên kết vùng. Đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác, hỗ trợ DN kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm chế biến trên địa bàn Thủ đô.

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm chế biến về lâu dài, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị UBND TP tiếp tục quan tâm, kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các DN lớn tham gia xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt là đầu tư nâng cấp, xây dựng mới những nhà máy giết mổ, sơ chế, chế biến theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm; tiến tới từng bước tự chủ nguồn cung nông sản chế biến.