Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hút khách từ di sản

Hà Thư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam lần đầu được vinh danh Điểm đến di sản hàng đầu thế giới tại Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019.

Thủ đô ngàn năm văn hiến, hệ thống di tích và bề dày di sản tích tụ cả nghìn năm là minh chứng làm rạng danh cho Việt Nam. Chưa kể, tiềm năng làm du lịch từ di sản vẫn còn bất tận.
Giàu có tài nguyên văn hóa
Trong giải thưởng Điểm đến di sản hàng đầu thế giới lần đầu Việt Nam chạm tay tới tại Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019, hẳn có sự đóng góp không nhỏ của nhiều di sản ở Thủ đô Hà Nội. Đó là những di tích lẫy lừng như Hoàng thành Thăng Long đánh dấu sự chiều dài lịch sử xuyên suốt 13 thế kỷ với tư cách trung tâm quyền lực, chứa đựng trong lòng đất bề dày trầm tích qua các địa tầng di vật và di tích là sự tích lũy tinh hoa dân tộc. Đó còn là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, điểm đến không thể bỏ qua khi khách quốc tế đặt chân tới Hà Nội, để hình dung chiều dài lịch sử khoa cử và truyền thống hiếu học quy tụ về đây.
 Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sau 20 năm nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội lại được công nhận và ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Thách thức không nhỏ nhưng cũng mở ra cơ hội lớn cho những người làm du lịch, bởi mỗi góc phố, điểm dừng chân ẩn chứa những câu chuyện nhiều thế kỷ, trở thành chất liệu thiết kế nên các tour tuyến du lịch đãi khách. Phố cổ Hà Nội luôn ken đặc người dân và du khách quốc tế. Di sản sống hấp dẫn này cho du khách trải nghiệm thú vị.
Đi khắp 36 phố phường cổ Hà Nội để thấy dòng chảy lịch sử, văn hóa ẩn hiện. Những kiến trúc xưa cũ, những nếp nhà biến đổi không ngừng mang đặc trưng rất riêng của đất Kẻ Chợ. Khách du lịch còn bị hấp dẫn bởi thế giới ẩm thực phong phú của đất Hà thành, là những quán ăn đặc sản địa phương, là ẩm thực đường phố kết hợp hiện đại và truyền thống.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn hơn một năm qua nảy ý tưởng mở tour giới thiệu lịch sử, văn hóa Hà Nội thông qua tác phẩm nghệ thuật. Du khách quốc tế thuộc dòng “kén, có tri thức cao” tìm tới nghệ sĩ để trao đổi, lắng nghe câu chuyện về Hà Nội khác với những lời thuyết minh hời hợt thông thường. Chọn phố Bích họa Phùng Hưng làm điểm khởi đầu, Nguyễn Thế Sơn dẫn dắt du khách qua những địa điểm nổi tiếng trong khu phố cổ. Đó là công trình kiến trúc được bảo tồn và phát huy hiệu quả như Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, ngôi nhà di sản, đình Kim Ngân… để soi vào lịch sử và thấy văn hóa, con người Hà Nội qua hàng thế kỷ. Những sáng tạo thiết kế tour từ di sản và lịch sử Hà Nội như cách làm này gợi mở cho những người làm du lịch thêm ý tưởng thoát khỏi lối mòn.
Hà Nội không chỉ sở hữu hệ thống dày đặc các di tích, di sản tầm cỡ mà còn là đô thị của những công trình kiến trúc đặc sắc. Ý tưởng mở tour tham quan di sản kiến trúc Nhà hát Lớn, kết nối với một loạt các điểm khác như Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một vài điểm khác từng khiến các nhà làm du lịch, du khách háo hức. Tiếc rằng tour này vẫn chưa chưa thể khai thác.
Nhân rộng điểm sáng
Giới chuyên gia lâu nay vẫn tranh cãi về quan điểm mâu thuẫn bảo tồn di sản đi liền với khai thác du lịch. Một số nhà nghiên cứu tỏ ra cực đoan khi cho rằng không thể nghĩ tới chuyện kiếm tiền từ di sản. Tuy nhiên, ngay trong Công ước bảo vệ di sản thế giới cũng nêu rõ cần khai thác di sản một cách bền vững.
Bảo tồn di sản không có nghĩa để di sản “đứng im”, mà phát huy di sản tốt nhất chính là cách quảng bá di sản thông qua du lịch. Nguồn lợi kinh tế thu lại từ di sản một phần không nhỏ tái đầu tư tôn tạo, bảo vệ di sản ấy tốt hơn.
Tài nguyên du lịch văn hóa Hà Nội dẫu còn chưa khơi hết tiềm năng, tuy thế vẫn có những điểm sáng để ghi nhận. Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long vài năm trước còn khá mờ nhạt, thời gian gần đây dần trở nên quen thuộc với du khách.
Hoạt động vui Tết Nguyên đán, Tết thiếu nhi, trở về Trung thu xưa... trở thành những dịp kéo khách tới Hoàng thành Thăng Long ngày một đông hơn. Tuy thế, tiềm năng giàu có hơn của Hoàng thành nằm ở những vỉa tầng văn hóa của kinh thành xưa, là những câu chuyện về đất và người Thăng Long chưa được đào xới. PGS.TS Tống Trung Tín trong nhiều cuộc báo cáo khảo cổ học thường góp ý, sau này Hoàng thành Thăng Long cũng có thể mở những góc cho người dân, học sinh thử làm nhà khảo cổ coi như vừa học vừa thu lại kinh phí phục vụ nghiên cứu, bảo tồn di sản.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang được nhắm tới là một trong những trung tâm văn hóa sáng tạo của Hà Nội. Diện mạo di tích quốc gia đặc biệt này mấy năm gần đây thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Từ bộ nhận diện thương hiệu đến hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống bia chỉ dẫn được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm phù hợp cảnh quan, đáp ứng mỹ quan và nhu cầu của du khách. Lượng khách quốc tế tới Văn Miếu tăng trưởng đều qua mỗi năm. Người dân và du khách trong nước được hưởng thụ ngày càng nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục gắn với di sản tinh thần của Văn Miếu.
Không chỉ thụ động trông chờ vào lượng khách tự đến với di tích, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tìm hướng đưa vào nhiều hoạt động, trải nghiệm di sản để thổi thêm sinh khí cho di tích. Những lớp học trải nghiệm và giáo dục di sản được thiết kế phù hợp từng đối tượng, bài giảng.
TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong số chuyên gia tư vấn cho chương trình trải nghiệm di sản tại Văn Miếu khẳng định, chương trình giáo dục di sản văn hóa tạo ra kênh kết nối giá trị, ý nghĩa hoạt động và nội dung di sản văn hóa với công chúng. Điều này cũng nằm trong khuyến nghị của UNESCO đối với các di sản văn hóa phải tạo cơ hội học tập suốt đời cho công chúng.
Sau khi Hà Nội chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới, TP mở những cuộc tọa đàm lấy ý kiến đóng góp để đưa Hà Nội trở thành những không gian sáng tạo. Những không gian sẵn có như các Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hàng loạt di tích khác có cơ hội trở thành những trung tâm văn hóa sáng tạo.
Di tích nếu chỉ bảo tồn theo nghĩa khô cứng hẳn chỉ trở thành nơi thờ phụng đơn thuần, trong khi đó giá trị giáo dục, văn hóa lịch sử và thậm chí giá trị kinh tế vẫn tiềm tàng trong đó cần các nhà quản lý và các nhà sáng tạo khơi dậy.

"Việt Nam có ba trụ cột để thu hút du lịch: Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa và khả năng cạnh tranh về giá. Ngành du lịch tập trung và khai thác khá tốt cảnh quan thiên nhiên nhưng chưa quan tâm và khai thác tốt tiềm năng văn hóa. Chỉ nhìn riêng Hà Nội, với hệ thống hàng trăm di tích và các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt dày đặc hoàn toàn có thể trở thành kho báu với những người làm du lịch." - Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính