Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huy động hiệu quả nguồn lực của kiều bào

Hân Hân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại 109 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Và cuộc tụ họp những đại diện kiều bào ưu tú tại TP Hồ Chí Minh cuối tuần qua là cơ hội để lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những người Việt Nam ở nước ngoài tìm ra giải pháp thiết thực để đóng góp cho quê hương, đất nước.
 Thủ tướng gặp gỡ các chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu, nhân dịp về dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài trên thế giới năm 2016. 
Tại Hội nghị này, nhiều kiến nghị mới, sáng tạo và tính khả thi cao đối với các vấn đề lớn của TP Hồ Chí Minh và cả nước đã được đưa ra. Những đóng góp này thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm và quyết tâm chung sức đóng góp xây dựng quê hương, đất nước của kiều bào.
Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã xác định, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Nên đất nước luôn mở rộng vòng tay chào đón mọi người con của dân tộc, dù có một bộ phận nhỏ còn có những suy nghĩ khác biệt về đất nước. Suy nghĩ khác biệt đó đã dần được thu hẹp và lấp đầy bằng sự chân thành của đồng bào và tình yêu quê hương. Những nỗ lực, cố gắng, đóng góp thiết thực, dù lớn hay nhỏ nhưng luôn ấm tình quê hương của toàn thể kiều bào đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời gian qua.
Trong bối cảnh đất nước đang chủ động hội nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm sẽ xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động. Để thực hiện quyết tâm đổi mới đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm cả cộng đồng 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài. Theo đó, Thủ tướng kêu gọi đồng bào ở nước ngoài, tùy vào khả năng và điều kiện của mình, cùng chung sức đóng góp xây dựng vào sự nghiệp phát triển đất nước. Thời gian tới, Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế sâu rộng hơn với hàng loạt Hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương được ký kết và có hiệu lực. Đây là cơ hội mà cũng là thách thức to lớn với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Do đó, sự đóng góp trí tuệ của kiều bào – những điều kiện tiếp cận nhanh nhất, thuận lợi nhất với công nghệ tiên tiến, tri thức tiến bộ của thế giới sẽ giúp đất nước tiến nhanh hơn trên con đường phát triển.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Với niềm tự hào cùng là con Lạc cháu Hồng, tất cả chúng ta hãy chung sức, chung lòng dựng xây đất nước Việt Nam hùng cường sánh vai cùng bạn bè khắp năm châu". Để thu hút trí tuệ và nguồn lực quý báu của kiều bào, Chính phủ cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để kiều bào đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng được các đầu mối kiều bào Việt Nam ở nước ngoài để kết nối với trong nước, nhất là về những vấn đề nóng như môi trường, khoa học công nghệ. Trong đó, cần chú trọng tạo dựng các kênh, diễn đàn đối thoại khả thi, thực chất để kiều bào phản ánh, đề xuất, khuyến nghị và địa phương có tiếp thu, có phản hồi; khuyến khích, tạo điều kiện cho trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...