Kinhtedothi - Sáng 20/10, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Đồng thời, nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quanh vấn đề này. Trong đó, những khó khăn, thách thức với nền kinh tế tiếp tục được chỉ ra.
Nợ công tăng nhanh
Nhận định tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 đã và đang có những dấu hiệu chuyển biến hết sức tích cực. Đến thời điểm này, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, 13 chỉ tiêu có triển vọng đạt và vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch là chỉ tiêu tạo việc làm.
Trong 9 tháng qua, kinh tế được đánh giá tiếp tục tăng trưởng khi quý sau cao hơn quý trước, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua, dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng cũng tăng 17,2% so với cùng kỳ và ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán...
Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số điểm còn tồn tại khi kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao với 5,3% GDP. Nợ công tăng nhanh, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% (tăng 6,1%); dư nợ chính phủ 46,9%; dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP. Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch... Đây là những vấn đề Chính phủ sẽ tập trung giải quyết trong những tháng cuối năm.
Trong năm 2015, Chính phủ xác định 9 nhóm giải pháp quan trọng cần triển khai. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ giải pháp hàng đầu được Chính phủ xác định là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tỷ lệ bội chi ngân sách quá cao
Chia sẻ với những khó khăn và giải pháp Chính phủ đưa ra, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Chính phủ cần đánh giá một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội cần sâu sắc và sát thực tế hơn. Dù năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu là bước ngoặt lớn trong hoạt động thương mại và cán cân thương mại, nhưng nhiều ý kiến cần lưu ý đến tính bền vững của một nền kinh tế đang phát triển, có nhu cầu nhập khẩu và liên tục nhập siêu cao nhiều năm trước.
Nhấn mạnh đến chỉ tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 chỉ tăng 4,5 - 4,7% đạt thấp theo kế hoạch, một số ý kiến Ủy ban cho rằng kết quả này là biểu hiện các chính sách kinh tế có phần thắt chặt đã tác động trực tiếp đến DN, việc làm, thu ngân sách, nợ xấu, tăng trưởng, làm giảm tổng cầu. Tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn mà tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước và chỉ tiêu tạo việc làm mới hàng năm đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động là chưa thuyết phục. Tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân từ năm 2011 - 2014 khoảng 5%/GDP chưa bao gồm trái phiếu Chính phủ là quá cao so với chỉ tiêu Quốc hội đến cuối năm 2015 đạt dưới 4,5%/GDP, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý hiệu quả hơn vấn đề hàng hóa tồn kho, nợ xấu ngân hàng, nợ xây dựng cơ bản… Tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho DN nhất là tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Tăng cường hướng dẫn và quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường tiểu ngạch tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam với các nước láng giềng bảo đảm thông suốt và an toàn tài sản của DN và người dân…
Hôm nay, ngày 21/10, Quốc hội sẽ dành một ngày để thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Ảnh: TTXVN
|
Để đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,2% năm 2015, chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt tối thiểu là 30% GDP. Mặt khác, Chính phủ cần rà soát, tính toán chính xác hơn cán cân thương mại, nhất là thặng dư, cân nhắc tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nên giữ theo Nghị quyết về Kế hoạch 5 năm của Quốc hội khoảng 5 - 7% để tạo điều kiện điều hành linh hoạt các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và việc làm. Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Năm 2015, Chính phủ đặt ra mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP 5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%... |