Huy động nguồn lực của kiều bào để phát triển đất nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu” được tổ chức sáng 7/6 tại Hà Nội là cơ hội để các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đưa ra những kiến giải góp phần vào quá trình phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước giai đoạn 2016 -2020 và những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan với các nhà khoa học, trí thức Việt kiều.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan với các nhà khoa học, trí thức Việt kiều.
Diễn đàn do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư tổ chức đã thu hút được sự tham gia của gần 100 đại biểu. Trong đó có 30 đại biểu là chuyên gia kinh tế, tài chính, luật, hành chính công là người Việt Nam ở nước ngoài làm việc tại các trường đại học của Mỹ, Pháp, Australia, Nhật Bản...

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, Diễn đàn được tổ chức đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát huy các nguồn lực kiều bào, huy động kiến thức của chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài và kinh nghiệm quốc tế vào hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, chiến lược phát triển kinh tế và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của trí thức kiều bào là được tham gia vào quá trình phát triển đất nước.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, mặc dù lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong quá trình hội nhập là con người với một lực lượng lao động trẻ dồi dào, có trình độ, có sự giao thoa với tri thức quốc tế, nhưng Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2014 cho thấy, đối với các trụ cột về sử dụng hiệu quả nguồn lực, thứ hạng của Việt Nam còn khá thấp. Vì vậy, trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở Việt Nam, nêu kinh nghiệm cải cách giáo dục, đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ ở các nước và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.

Ngoài ra, trong vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu đã dành thời gian nhận diện mô hình tăng trưởng của Việt Nam, so sánh mô hình tăng trưởng ở Việt Nam với các nước Đông Á khác; bàn thảo về vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng đặt trong mối quan hệ với quản lý rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu. Một số diễn giả cho rằng, ngành ngân hàng Việt Nam đã phát triển khá mạnh mẽ trong thời gian 10 năm qua, nhưng đang đứng trước những thử thách rất lớn và đang trong quá trình điều chỉnh, cải cách để tiến đến một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững và ổn định. Cùng với đó, hệ thống tài chính thế giới đứng trước nhiều rủi ro và nguy cơ suy thoái toàn cầu càng đặt ra nhiều áp lực với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần có sự chuẩn bị cho tình huống trên. Cụ thể, các vấn đề như nợ xấu cần được giải quyết; củng cố dự trữ ngoại hối, cải cách cơ cấu là cần thiết để làm cho nền kinh tế cạnh tranh hơn...

Các đại biểu cũng bàn thảo sâu về vấn đề cổ phần hóa DN Nhà nước, tái cơ cấu DN Nhà nước và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều diễn giả đã tập trung phân tích về chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam, kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị chính sách đối với các cơ quan chức năng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần