Huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho dự trữ quốc gia

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/4, Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án Luật Dự trữ quốc gia, Luật Giá và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, cơ quan soạn thảo nên xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia, tránh dàn trải, không hợp lý. Bởi ngay cả những quốc gia phát triển trên thế giới, có tiềm lực dự trữ quốc gia mạnh thì việc sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia cũng chỉ thực hiện trong những trường hợp cấp bách, bất khả kháng nhằm ứng phó với những vấn đề quốc phòng an ninh, tình huống đặc biệt nghiêm trọng.

Về dự trữ quốc gia, đa số ý kiến đề nghị không nên quy định bằng tiền, vì theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, chỉ có hàng hóa mới đáp ứng tính khẩn cấp, kịp thời và phù hợp với những tình huống đặc biệt nghiêm trọng.

Xung quanh vấn đề xã hội hóa trong dự trữ quốc gia, các ý kiến cũng cho rằng, để tăng cường sức mạnh dự trữ quốc gia cần thiết phải xã hội hóa nguồn lực, tạo cơ chế, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn lực khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước tham gia vào những cơ sở hạ tầng như đầu tư vào kho tàng, bến bãi…

Dự án Luật Giá đưa ra lần này đã được chỉnh lý theo hướng cơ quan có thẩm quyền chỉ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá. Đáng lưu ý, một số mặt hàng trong danh mục hiện hành như sắt, thép, xi măng đã được bỏ ra khỏi danh mục trong dự thảo luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển, Nhà nước chỉ định giá những hàng hóa, dịch vụ có sử dụng ngân sách (nhà công vụ); hoặc hàng hóa hiện đang được sản xuất/cung cấp độc quyền (điện, xăng dầu thành phẩm) hoặc thuộc loại thiết yếu đối với đời sống của người dân (vé vận chuyển đường sắt ngồi cứng).

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị rà soát lại các nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Nhiều hàng hóa, dịch vụ trong số này (như xăng dầu, nước sạch, điện, dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa...) chỉ nên để ở danh mục thực hiện bình ổn giá thay vì Nhà nước định giá để đảm bảo tính chất "thị trường", tránh tối đa việc can thiệp hành chính vào nền kinh tế.

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này có điểm đáng lưu ý là có quy định về việc phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra, trong đó bao gồm việc xây dựng, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước không đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích; việc xả nước của các hồ chứa thủy điện gây ra lũ nhân tạo, hạn nhân tạo; gây xói lở bờ sông...