Tích cực chuyển đổi sản xuất
Đến xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín thời điểm này, những cánh đồng lúa được mở rộng nhờ quy hoạch bờ vùng, bờ thửa gọn gàng, thuận tiện. Đặc biệt, khu nuôi trồng thủy sản tập trung diện tích 45ha với 10 hộ dân đang trở thành điểm nhấn trong kinh tế của xã. Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên Hoàng Văn Thanh cho biết, năng suất cá tại khu nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần cấy lúa. Chính vì vậy, hiện nay xã Nghiêm Xuyên đang tích cực triển khai mô hình nuôi cá an toàn sinh học, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân. Có những thành công trên là do xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) thành công. Sau DĐĐT, phần lớn các hộ dân chỉ còn từ 1 - 2 thửa ruộng, thuận lợi cho sản xuất.
Mô hình trồng cây cảnh tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Ảnh Quang Thiện
Mặc dù vậy, toàn huyện Thường Tín vẫn còn 2.849ha chưa được DĐĐT. Ngoài ra, hệ thống kênh mương, thủy lợi, đê điều tại một số địa phương đang trong tình trạng xuống cấp. Chính vì vậy, theo ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2013 hoàn thành toàn bộ kế hoạch DĐĐT và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn đổi. Cùng với đó, huyện chú trọng quy hoạch, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như lúa chất lượng cao, hoa, cây cảnh, rau an toàn...
Tháo gỡ khó khăn nguồn vốn
Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Thường Tín đã được phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng NTM. Ngoài xã điểm Nhị Khê đạt 15 tiêu chí NTM, huyện Thường Tín có 12 xã đạt 10 - 13 tiêu chí, 15 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Tổng số vốn huy động xây dựng NTM đạt 357, 1 tỷ đồng. |
Trong thời gian qua, phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM đã thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Thường Tín tham gia. Tại xã điểm Nhị Khê, bà con nhân dân đã tích cực tham gia góp sức, góp của xây dựng đường làng, ngõ xóm, đường giao thông nội đồng. Hiện xã đã có 15 tiêu chí đạt và cơ bản đạt NTM.
Tương tự, tại xã Hồng Vân, nhân dân 3 thôn Vân La, La Thượng và Cẩm Cơ tham gia đóng góp trên 1.000 ngày công lao động và tự bỏ tiền đầu tư, cải tạo, đổ đất, nâng nền ruộng, lắp đặt hệ thống tưới tiêu với giá trị bình quân 20 triệu đồng/hộ...
Tuy nhiên, theo ông Uông Đức Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, hầu hết các địa phương vẫn gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện xây dựng NTM. Trong khi đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả thấp, tiến độ thực hiện đấu giá chậm. Để tháo gỡ khó khăn trên, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa. Cùng với đó, ông Uông Đức Ngọc đề nghị TP tiếp tục cấp kinh phí theo cơ cấu vốn hỗ trợ trên cơ sở Đề án xây dựng NTM của các xã đã được phê duyệt. Trong đó, nâng mức hỗ trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi cho các xã.