Huy động vốn của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng
Kinhtedothi - Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội quý I/2025 chỉ tăng 0,54%, trong khi dư nợ tín dụng tăng 2,32%...

Huy động vốn của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Ảnh minh hoạ
Theo số liệu mới nhất từ Chi Cục Thống kê TP Hà Nội, đến cuối quý I/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP đạt 4.610 nghìn tỷ đồng, tăng 0,59% so với tháng trước và tăng 2,32% so với thời điểm kết thúc năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.956 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% và tăng 1,68%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.654 nghìn tỷ đồng, tăng 0,65% và tăng 2,8%.
Xét theo chương trình tín dụng trên địa bàn TP, cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 12% trong tổng dư nợ; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,2%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,9%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,13%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,31%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,35%, cho vay chính sách xã hội chiếm 0,38%.
Đáng lưu ý, tăng trưởng huy động vốn tại Hà Nội thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, đến cuối quý I/2025, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP ước tính đạt 6.092 nghìn tỷ đồng, tăng 0,29% so với tháng trước và tăng 0,54% so với thời điểm kết thúc năm 2024.
Trong đó, tiền gửi đạt 5.362 nghìn tỷ đồng, tăng 0,33% và tăng 0,29%; phát hành giấy tờ có giá đạt 730 nghìn tỷ đồng, tương đương tháng trước và tăng 2,41%.
Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn được đảm bảo. Các NHTM trên địa bàn dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng.
Các TCTD thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chính sách lãi suất linh hoạt cho vay tín dụng. Thời điểm trong tháng 3/2025 lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các NHTM trong nước phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2 - 4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 2,9 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,6 - 6,3%/năm.
Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,9%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Tính đến cuối quý I/2025, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,79% trong tổng dư nợ. Các TCTD thực hiện ngăn ngừa, kiểm soát nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng nhằm đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

GRDP quý I/2025 Hà Nội cao nhất trong 5 năm gần đây
Kinhtedothi - Kinh tế - xã hội TP Hà Nội quý I/2025 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sức ép cạnh tranh gia tăng ở thị trường xuất khẩu cùng căng thẳng hàng rào thương mại, thuế quan để bảo hộ sản xuất.

Vàng, USD cao kỉ lục, chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng
Kinhtedothi - Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng gây sốc cho thị trường vàng USD biến động mạnh trên thị trường thế giới. Trong nước, vàng SJC tăng vọt, tỷ giá cũng lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Mỹ áp thuế 46% lên hàng hoá Việt Nam, cách nào giảm sốc cho doanh nghiệp?
Kinhtedothi - Việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, đa dạng hóa thị trường, cải thiện chuỗi cung ứng, thúc đẩy đàm phán thương mại và hỗ trợ DN là những giải pháp cốt lõi giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn này.