Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Bù Đăng: sóc Bom Bo rộn ràng mừng ngày giải phóng

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 9/11, Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024 đã khai mạc tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng phát biểu và tuyên bố khai mạc Lễ hội  “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Ảnh: Lâm Thiện.
Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng phát biểu và tuyên bố khai mạc Lễ hội  “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Ảnh: Lâm Thiện.

Lễ hội kéo dài trong 3 ngày, từ 8 đến 10/11 với nhiều hoạt động đặc sắc hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974-14/12/2024).

Tại lễ khai mạc, các lãnh đạo huyện Bù Đăng cùng Nhân dân đã ôn lại quá khứ đánh giặc, nhường lúa, nhường mỳ, ngày làm mùa, đêm giã gạo phục vụ bộ đội chống Mỹ cứu nước của người dân Bù Đăng, đặc biệt là những đồng bào người dân tộc S’tiêng tại sóc Bom Bo, cao điểm là trong chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long năm 1965.

Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng phát biểu: “Trong những ngày chuẩn bị lương thực cho chiến trường, trên nương rẫy, bưng bàu như những ngày hội lớn, Nhân dân nô nức thi đua suốt lúa, tập trung thóc vào kho hậu cần. Trước yêu cầu cao điểm phục vụ lương thực cho chiến dịch, với quyết tâm cao, bằng sự sáng tạo của mình, đồng bào sóc Bom Bo đã huy động toàn bộ cối, chày hiện có và còn dùng cây sao dài đục thành hàng chục lỗ cối với chày tay giã gạo kịp thời cho chiến dịch. Sau gần 3 ngày đêm giã gạo liên tục, Nhân dân sóc Bom Bo đã giã được 5 tấn gạo phục vụ chiến dịch”.

Ông  Vũ Lương, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng, đáng trống khai mạc lễ hội . Ảnh: Lâm Thiện
Ông  Vũ Lương, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng, đáng trống khai mạc lễ hội . Ảnh: Lâm Thiện

Sóc Bom Bo không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, có những nét văn hóa độc đáo, khác biệt như nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, lễ kết bạn cộng đồng và nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã và đang làm phong phú thêm kho tàng di sản của Việt Nam. 

Năm 2024 là năm đầu tiên huyện Bù Đăng tổ chức Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Về với Lễ hội, du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, được thưởng thức nhiều món ăn, thức uống độc đáo như cơm lam, rượu cần...

Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ khai mạc mang đậm nét văn hóa đồng bào dân tộc S'tiêng anh dũng, kiên trung. Ảnh: Lâm Thiện
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ khai mạc mang đậm nét văn hóa đồng bào dân tộc S'tiêng anh dũng, kiên trung. Ảnh: Lâm Thiện

Đây là dịp người dân tỉnh Bình Phước, đặc biệt là đồng bào 34 dân tộc anh em đang sinh sống tại huyện Bù Đăng cùng với hàng chục ngàn người dân cả nước đổ về sóc Bom Bo ôn lại quá khứ hào hùng dân tộc. Tiếng chày giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng đã vang vọng và đi vào lòng người Việt nhiều thế hệ.

Quân và dân huyện Bù Đăng, những nhân chứng một thời cấy lúa, giã gạo nuôi quân đáng giặc cứu nước tại lễ khai mạc. Ảnh: Lâm Thiện.
Quân và dân huyện Bù Đăng, những nhân chứng một thời cấy lúa, giã gạo nuôi quân đáng giặc cứu nước tại lễ khai mạc. Ảnh: Lâm Thiện.

Đến với Lễ hội, Nhân dân và du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm các hoạt động như: Hội nghị “Khởi nghiệp du lịch” - công bố kết nối tour du lịch trong và ngoài tỉnh; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; lễ hội “Kết bạn cộng đồng” của người S’tiêng; trình diễn hòa tấu 50 bộ đàn đá; tổ chức chạy việt dã với chủ đề “Đường về sóc Bom Bo”…

Để 3 ngày lễ hội diễn ra chu đáo, an toàn, tiết kiệm nhưng không kém phần long trọng, vui tươi, trước đó, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo huyện Bù Đăng cùng các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức, sắp xếp, lên kế hoạch chi tiết từ công tác đón tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, khách mời và mọi tầng lớp Nhân dân. Bố trí sân khấu các chương trình tái hiện lịch sử, giao lưu văn hóa, tiết mục ca nhạc, tổ chức các trò chơi dân gian, các gian hàng hội chợ thương mại… 

Đông đảo lãnh đạo huyện Bù Đăng, cùng nhiều tầng lớp Nhân dân dự lễ khai mạc. Ảnh: Lâm Thiện
Đông đảo lãnh đạo huyện Bù Đăng, cùng nhiều tầng lớp Nhân dân dự lễ khai mạc. Ảnh: Lâm Thiện
 

Địa danh sóc Bom Bo nổi tiếng trong chống Mỹ cứu nước

Sóc Bom Bo nằm ở phía tây của quốc lộ 14, cách trung tâm huyện Bù Đăng khoảng 12km, thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, là địa danh lịch sử nổi tiếng, là biểu tượng của tình quân dân thắm thiết trong cách mạng giải phóng dân tộc. Hình ảnh xuyên đêm đốt đuốc, giã gạo nuôi quân của người dân đồng bào S’tiêng đã trở nên quen thuộc khi đi vào âm nhạc qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Đó là hình ảnh đẹp đẽ của một vùng đất cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vào những năm đầu 1960 của thế kỷ XX, Mỹ - ngụy thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược khắp nơi. Mặc dù bị địch khủng bố gắt gao, chúng dồn dân vào ấp chiến lược nhưng người dân Sóc Bom Bo (thời điểm này thuộc quận Đức Phong, tỉnh Phước Long) kiên quyết không vào ấp chiến lược. Đến năm 1963, địch càn quét triền miên, già trẻ, gái trai hơn 100 người dân của sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ “Nửa Lon”, bên dòng suối Đắk Nhau và Đắc Liêng để lập ra sóc mới cũng mang tên sóc Bom Bo.

Năm 1965, Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở Chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài nhằm tiêu diệt bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch, hỗ trợ Nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá ấp chiến lược, mở rộng địa bàn giải phóng. Thời điểm này, sóc Bom Bo trở thành trung tâm tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch. Với tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đồng bào S’tiêng, sóc Bom Bo đã đưa khẩu hiệu “Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”, không phân biệt già trẻ gái trai, đồng lòng đồng sức tập trung giã gạo phục vụ bộ đội, phục vụ kháng chiến.

Đồng bào dân tộc ở Bom Bo, Đắk Nhau, vùng căn cứ đã ủng hộ phần lớn lúa và mỳ mình có để nuôi quân. Mỗi lần giã gạo lấy cây lồ ô khô đốt lên làm đuốc, cháy bập bùng trong đêm. Mỗi cối có từ 2 đến 4 người thay nhau giã, khi nghe thấy tiếng máy bay địch thì tất cả tắt lửa, chui xuống dưới hầm trú ẩn.

Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng tham gia chiến dịch vùng này và chứng kiến được cảnh nô nức giã gạo nuôi quân, là nguồn cảm xúc để ông sáng tác nên bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nổi tiếng vào năm 1966.

Từ đó đến nay, địa danh sóc Bom Bo là dấu son chói sáng đi vào lịch sử cách mạng và phong trào đấu tranh dân tộc. Công lao của quân dân Bom Bo trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Với nhạc sĩ Xuân Hồng, bài hát cũng đã mang lại cho ông giải thưởng Hồ Chí Minh.