Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Chương Mỹ - muốn bứt phá phải đầu tư cho giao thông

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vị trí đắc địa tại cửa ngõ phía Tây, cộng với tiềm năng rất lớn về quỹ đất, con người và di tích, thắng cảnh, huyện Chương Mỹ đủ điều kiện để bứt phá trở thành một trong những khu vực công nghiệp, du lịch, thương mại phát triển nhất của Thủ đô Hà Nội.

Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Chương Mỹ chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông. Ảnh: Ngọc Hải
Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Chương Mỹ chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông. Ảnh: Ngọc Hải

Nhưng muốn đánh thức những tiềm năng đó, huyện Chương Mỹ phải sớm phát triển hệ thống giao thông hiện đại, giàu năng lực cạnh tranh.

Còn nhiều bất lợi

Chương Mỹ nằm ở phía Tây của TP Hà Nội, là cửa ngõ để nối liền các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên với Thủ đô Hà Nội và có tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 6 làm trục xương sống phát triển theo hướng Đông Tây.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện có sự chênh lệch lớn, chỉ tập trung tại các xã phía Bắc, 2 thị trấn Chúc Sơn và Xuân Mai bám theo trục Quốc lộ 6, các xã phía Nam huyện vẫn là xã thuần nông.

Nhìn một cách tổng quan, Chương Mỹ vẫn là một huyện nghèo, thuần nông ngoài cây lúa, rau màu và chăn nuôi, các nghề phụ đã dần mai một đi rất nhiều (nhất là các xã phía Nam của huyện) và không có nhiều lợi thế so với các huyện lân cận khác trong thu hút đầu tư về khoa học công nghệ cao, giáo dục đào tạo, công nghiệp, nông nghiệp sạch, sinh thái... như định hướng Quy hoạch vùng huyện đã được TP phê duyệt. Các bất lợi nội tại đã nêu, chủ yếu xuất phát từ việc thiếu hụt hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo quy hoạch GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 9 tuyến đường hạ tầng giao thông khung với chiều dài khoảng 125,9km và được phân bổ đều theo các hướng Đông, Tây, Bắc Nam. Có thể khẳng định kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những thuận lợi rất lớn của huyện Chương Mỹ so với một số huyện lân cận.

Tuy nhiên, dù quy hoạch đã được định hình với nhiều thuận lợi, trên thực tế hiện trạng giao thông của huyện Chương Mỹ lại có nhiều điểm bất lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Hiện mới chỉ có Quốc lộ 6 là tuyến duy nhất kết nối huyện Chương Mỹ với trung tâm TP theo hướng Đông - Tây. Mặt khác, tuyến đường này đã quá tải và nằm lệch về phía Bắc, dẫn đến các xã phía Nam phải di chuyển sang các địa phương khác để tới trung tâm TP.

Mới đây, huyện Chương Mỹ đã khởi công dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên với quy mô trên 41ha, nằm sát mặt đường Quốc lộ 6. Ngoài ra còn hàng loạt các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn khác cũng đang bám theo Quốc lộ 6. Đây chính là tuyến đường huyết mạch quan trọng nhất để nâng tầm phát triển cho huyện Chương Mỹ, nhưng vẫn chưa thể đẩy nhanh tiến độ thi công do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB).

Tuyến Quốc lộ 21A là tuyến trục của chuỗi các đô thị trong tương lai, phục vụ kết nối theo hướng Bắc - Nam cũng chạy qua địa bàn huyện Chương Mỹ. Nhưng bất lợi là tuyến này lại nằm lệch về phía Tây; đường tỉnh lộ, liên xã kết nối đến Quốc lộ 21A còn hạn chế, dẫn đến các xã có vị trí ở trung tâm huyện chưa thuận tiện tiếp cận. Những bất lợi này, là cản trở rất lớn cho việc phát triển đồng đều kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai.

Ưu tiên ba trục chính

Huyện Chương Mỹ được định hình với cấu trúc không gian tổ chức theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây, gắn kết với hạ tầng giao thông khung, trong đó ưu tiên phát triển mới các kết nối Đông - Tây để bảo đảm mối liên kết với đô thị trung tâm. Do đó việc đầu tư các tuyến đường hạ tầng khung trên địa bàn huyện là rất cần thiết, đặc biệt cần ưu tiên cho ba trục chính.

Thứ nhất là trục Hà Đông - Xuân Mai có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông đô thị Xuân Mai với đô thị trung tâm, và giảm tải cho tuyến đường Quốc lộ 6. Trục Hà Đông - Xuân Mai, đoạn qua huyện Chương Mỹ, kéo dài từ Vành đai 4 tới Quốc lộ 21A, thuộc địa phận thị trấn Xuân Mai dài 19,59km, được thiết kế mặt cắt ngang 40m, 6 làn xe. Đây sẽ là hướng tuyến bứt phá để kéo gần khoảng cách giữa huyện và đô thị trung tâm, đồng thời mở hướng tiếp cận đến Quốc lộ 21A.

Thứ hai là đường trục Bắc - Nam TP Hà Nội, một trong những tuyến đường rất quan trọng, giao cắt với hầu hết với các tuyến đường hướng tâm, kết nối 5 huyện phía Tây của Thủ đô. Đối với huyện Chương Mỹ, đường trục Bắc - Nam vừa có chức năng đối nội, vừa có chức năng đối ngoại.

Đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam đã được điều chỉnh cục bộ hướng tuyến, đi qua Chương Mỹ đoạn từ giao cắt với Tỉnh lộ 429 (nhánh phía Bắc) tới đường Đỗ Xá - Quan Sơn; tiếp tục đi theo hướng Bắc - Nam tới thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa); sau đó chuyển hướng đi bao phía Đông Bắc thị trấn và kết nối trở lại với đường Đỗ Xá - Quan Sơn theo hướng Đông - Tây. Trục đường có tổng chiều dài 60,35km, quy mô mặt cắt ngang 42m gồm 6 làn xe.

Khi hình thành đây sẽ là một trong những trục phát triển thịnh vượng của khu vực phía Tây, Tây Nam Thủ đô, góp phần giúp huyện Chương Mỹ trở thành đầu mối giao thông của Hà Nội kết nối cả trong nội vùng lẫn liên tỉnh.

Thứ ba là trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu kéo dài từ Vành đai 4 đến đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam nêu trên. Tuyến có chiều dài 7,19km với quy mô mặt cắt ngang quy hoạch 40m, 8 làn xe. Tuyến đường khi được đầu tư còn mở ra một hướng kết nối đến tỉnh Hòa Bình, đồng thời chia sẻ áp lực giao thông cho Quốc lộ 6, Đại lộ Thăng Long hướng vào trung tâm Hà Nội.

Để tạo không gian phát triển mới đồng đều giữa phía Bắc và phía Nam của huyện Chương Mỹ, đồng thời tạo điều kiện đánh thức tiềm năng phát triển của một khu vực rộng lớn còn nhiều dư địa, trục Lê Văn Lương kéo dài cũng cần được ưu tiên đầu tư sớm.

Vừa qua Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự Đảng UBND TP rà soát, giao huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư thực hiện 3 dự án giao thông gồm: đường Hà Đông - Xuân Mai (đoạn qua huyện Chương Mỹ); đường Lê Văn Lương kéo dài, đường trục Bắc - Nam (đoạn qua huyện Chương Mỹ); và nhiệm vụ GPMB dự án “Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai”.

Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức rất lớn đối với Chương Mỹ trong lĩnh vực đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, đòi hỏi chính quyền và Nhân dân địa phương phải nỗ lực hết sức, sớm hoàn thành các dự án, tạo đà cho sự bứt phá toàn diện.