Huyện Chương Mỹ: Phát huy giá trị của di tích lịch sử

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tổng số 374 di tích trên địa bàn huyện Chương Mỹ được đưa vào danh mục quản lý của TP, có 170 di tích đã được xếp hạng (32 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 138 di tích xếp hạng TP), 6 di tích được gắn biển “Di tích cách mạng kháng chiến”.

Bảo tồn để di tích tồn tại cùng thời gian

Các di tích được xếp hạng trên địa bàn huyện Chương Mỹ hầu hết được xây dựng từ thế kỷ XVII, XVIII và XIX, trong đó có một số di tích tiêu biểu như: Chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương), chùa Trầm (xã Phụng Châu), nhà thờ danh nhân Đặng Tiến Đông (xã Lam Điền), nhà thờ Nhà sử học Ngô Sỹ Liên (xã Ngọc Hòa), Văn chỉ Thám hoa Đặng Ma La (xã Tốt Động), nhà thờ danh nhân Lê Ngô Cát (xã Thụy Hương)...

Lễ hội đình Yên Trường, xã Trường Yên
Lễ hội đình Yên Trường, xã Trường Yên

Trải qua thời gian hàng trăm năm, đến nay các di tích đều bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong 2 năm (2021 - 2022), sau khi tiến hành kiểm tra, khảo sát hiện trạng di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện, có 55 di tích lịch sử đã xếp hạng bị xuống cấp được HĐND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 1.093 tỷ đồng. Đặc biệt, có 21 di tích đã được xếp hạng đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập, cần bảo vệ khẩn cấp; 5 di tích đã được xếp hạng có giá trị cao đang xuống cấp các hạng mục gốc… 

Gác chuông chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương
Gác chuông chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương

Giai đoạn 2016 - 2021, huyện Chương Mỹ đã tiến hành tu bổ, tôn tạo 19 di tích với tổng số kinh phí nhà nước hỗ trợ 15 tỷ đồng (trong đó ngân sách TP  hỗ trợ 5,95 tỷ đồng, ngân sách huyện 9,05 tỷ đồng). Năm 2022, hỗ trợ kinh phí tu bổ cấp thiết chống xuống cấp cho 4 di tích lịch sử với tổng số tiền là 2,1 tỷ đồng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra hiện trạng, đề xuất các phương án sửa chữa bằng nguồn xã hội hóa gần 8,4 tỷ đồng…

Nhờ được quan tâm đầu tư, di tích Quốc gia Đình Bài Trượng (xã Hoàng Diệu) vẫn giữ được nét cổ kính, nhưng khang trang hơn.
Nhờ được quan tâm đầu tư, di tích Quốc gia Đình Bài Trượng (xã Hoàng Diệu) vẫn giữ được nét cổ kính, nhưng khang trang hơn.

Bên cạnh công tác tu bổ, tôn tạo bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, trong những năm qua, huyện Chương Mỹ đã tập trung khai thác, phát huy giá trị các di tích để hình thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng. Tháng 3/2022, UBND huyện đã tiến hành rà soát, tổng hợp danh mục di tích trên địa bàn, trong đó chú trọng rà soát, tổng hợp danh mục di tích chưa được khảo sát, kiểm kê để đề nghị bổ sung vào danh mục kiểm kê di tích của TP giai đoạn 2022 - 2025, từ đó hoạch định và có định hướng khai thác di tích trở thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa, làm động lực cho phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, từ năm 2016 đến hết năm 2020, có 17 di tích được xếp hạng đã được tu bổ tôn tạo từ nguồn ngân sách và xã hội hóa với tổng kinh phí gần 75 tỷ đồng. Các công trình tu bổ, tôn tạo di tích đã đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, đảm bảo các quy định của pháp luật và chất lượng công trình.

“Trên tinh thần đổi mới, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đã có nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của huyện. Một số di tích tiêu biểu như cụm di tích chùa Trầm (xã Phụng Châu), chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương), nhà thờ Nhà sử học Ngô Sỹ Liên (thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hòa)… đã và đang trở thành điểm thu hút khách du lịch, điểm thăm quan, nghiên cứu học tập của các tầng lớp Nhân dân” - ông Hiến khẳng định. 

Hang chùa Trầm (xã Phụng Châu) là địa danh thu hút du khách
Hang chùa Trầm (xã Phụng Châu) là địa danh thu hút du khách

Vẫn theo ông Hoàng Minh Hiến, thời gian tới, huyện Chương Mỹ sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện. Sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật tại các di tích lịch sử - văn hóa. Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là nguồn  xã hội hóa, nhằm bảo đảm kinh phí thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện. 

Phủ Đặng (xã Lam Điền) được đầu tư cải tạo khang trang
Phủ Đặng (xã Lam Điền) được đầu tư cải tạo khang trang

 Tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện, (đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên) hiểu được giá trị, ý nghĩa của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Tăng cường công tác kiểm tra; phát hiện, biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực và phê phán, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực, những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng xấu đến di tích lịch sử - văn hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết tiếp.