Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Chương Mỹ: quản chặt chất lượng rượu truyền thống

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 235 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Trong đó, số cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là 186, với sản lượng sản xuất khoảng 1.040.000 lít/năm.

Trước đây, nói đến nghề chế biến rượu thủ công truyền thống ở Chương Mỹ, nhiều người thường nhắc tới hai cái tên Chi Nê và Vác. Nằm dọc theo Quốc lộ 6, phố Gốt (xã Đông Sơn) từng là nơi sản xuất tập kết và trung chuyển rượu đi các nơi tiêu thụ. Rượu Chi Nê (xã Trung Hòa) cũng nổi tiếng khắp vùng và mỗi ngày nơi đây cho ra lò hàng ngàn lít rượu thủ công.

Phó trưởng phòng Y tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc thông tin, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 235 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Trong đó, số cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là 186, với sản lượng sản xuất khoảng 1.040.000 lít/năm, vì vậy không thể thả nổi vấn đề chất lượng sản phẩm. 

Ngành chức năng huyện Chương Mỹ kiểm tra an toàn thực phẩm tại xã Trung Hòa (ảnh tư liệu).
Ngành chức năng huyện Chương Mỹ kiểm tra an toàn thực phẩm tại xã Trung Hòa (ảnh tư liệu).

Theo bà Nguyễn Minh Ngọc, ngoài các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm theo định kỳ, các hộ sản xuất rượu đều phải cam kết với chính quyền cấp xã và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình làm ra.

Phó Chủ tịch UBND xã Văn Võ Nguyễn Thị Liên cho biết thêm, trên địa bàn có 3 cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống, đều phải cung cấp hồ sơ, hợp đồng về nguồn gốc nguyên liệu. Bên cạnh đó, hồ sơ này phải được xác nhận của ngành chức năng (Phòng Kinh tế huyện); chủ cơ sở phải có cam kết về chất lượng với chính quyền xã. 

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hòa Lê Quang Vũ cho biết, rượu Chi Nê không những tiêu thụ tại địa phương, mà còn vươn tới nhiều tỉnh thành, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, do thay đổi trong thói quen của nhiều người dân đối với việc sử dụng rượi bia, đến nay làng nghề Chi Nê chỉ còn khoảng 50 hộ thường xuyên “đỏ lửa”. Tính ra mỗi tháng, sản lượng rượu sản xuất tại làng nghề Chi Nê còn khoảng 4.000 lít, kém xa so với trước kia.

Theo ông Phạm Văn Dũng (thôn Hợp Nhất, xã Văn Võ), việc sản xuất rượu thủ công của gia đình hiện giảm khoảng 50% so với trước đây
Theo ông Phạm Văn Dũng (thôn Hợp Nhất, xã Văn Võ), việc sản xuất rượu thủ công của gia đình hiện giảm khoảng 50% so với trước đây

Theo chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công Phạm Văn Dũng (thôn Hợp Nhất, xã Văn Võ), trước đây mỗi tuần gia đình ông cho ra lò “gối đầu” chừng 50 lít. Với nguyên liệu là thóc mua ngay trong xóm, men quả được thửa riêng, lại từng có nghề kinh doanh thuốc Nam nên các loại đồ ngâm (táo mèo, ba kích, đinh lăng…) được ông tự tay lựa chọn ngâm kỹ lâu ngày. Nhờ thế, nhiều nhà hàng có tiếng trong nội thành thường xuyên đặt hàng nên mức tiêu thụ rất tốt. 

Men rượu truyền thống ở cơ sở sản xuất rượu thủ công ở xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ.
Men rượu truyền thống ở cơ sở sản xuất rượu thủ công ở xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ.

Nhưng gần đây, sức tiêu thụ cũng giảm quá nửa. Tuy nhiên, vừa để giữ nghề, vừa tạo công ăn việc làm cho vợ con, ông Dũng vẫn duy trì việc chế biến rượu.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn Lê Văn Hào cho biết, phố Gốt và làng Thanh Trì là “cái nôi” của nghề chưng cất rượu thủ công truyền thống của địa phương, nhưng nấu rượu phải gắn với nuôi lợn, mà ngày nay đất chật người đông, chăn nuôi trong khu dân cư sẽ gây ô nhiễm, vì vậy, người dân dần bỏ nghề, mặc dù chính quyền xã từng dự định khôi phục làng nghề chế biến rượu Gốt.