Miếu Hàm Rồng được biết đến ở vùng đất cổ có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời gắn với sự ra đời của thành Ô Diên - kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân ở thế kỷ thứ VI. Di tích nằm trong vùng đất đậm đặc những di tích lịch sử - văn hóa như: đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, đền Tri Chỉ, đền chính Khí…
![Cán bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp TP miếu Hàm Rồng. ](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/09/z6301895207210-6a5e2fd83263b59907ddb24d7dfad81f.jpg)
Miếu Hàm Rồng thờ Lý Bát Lang, là con trai của Hậu Lý Nam Đế Lý Phật Tử và bà Lã Ngọc Thành (quê ở Chu Chàng, Quảng Oai, Sơn Tây). Ngài là con trai thứ 8 nên được gọi là Lý Bát Lang. Đây là một chứng tích hiếm hoi còn sót lại trên khu thành cổ Ô Diên.
Miếu Hàm Rồng đã trải qua nhiều lần tu tạo và thay đổi hướng di tích, nhìn từ ngoài vào gồm Nghi môn, tiếp đến là nhà khách, Đại bái, Hậu cung, Am bà Hàng Trầu, các công trình phụ trợ… Nơi đây chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học với hệ thống di vật đa dạng, phong phú về chủng loại, chất liệu. Nhiều di vật quý hiếm và có giá trị như tượng Thành hoàng niên đại nghệ thuật đầu thế kỷ XIX, hoành phi, câu đối, ỷ thờ, thống, khay đài, bát hương mang niên đại thời Nguyễn với những nét chạm khắc tinh tế, khéo léo mang giá trị nghệ thuật cao, góp phần làm giàu và phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
![Trưởng phòng VH&TT huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm giới thiệu về di tích.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/09/z6301895201955-442408082a33c78f89b609637436b383.jpg)
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định xếp hạng miếu Hàm Rồng là di tích lịch sử văn hóa cấp TP tại Quyết định số 1567/QĐ-UBND ngày 22/3/2024.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, toàn huyện hiện có 155 di tích, trong đó có 88 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp TP. Các di tích được Nhân dân quan tâm gìn giữ, bảo vệ, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ huyện đến xã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hạ Mỗ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy nguồn lực, nhằm xây dựng di tích miếu Hàm Rồng ngày càng khang trang.
Cùng ngày, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp TP chùa Bãi Tháp.
![Cán bộ, Nhân dân xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng đón Bằng xếp hạng di tích cấp TP chùa Bãi Tháp.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/09/z6301958532245-e67c8f13ff922c44f0125cb2dee04606.jpg)
Chùa Bãi Tháp được xây dựng vào năm 1952 trên vùng đất cách mạng kiên cường của Nhân dân xã Đồng Tháp. Nếu như các ngôi chùa khác được ra đời và tồn tại, hoạt động với mục đích tôn giáo thì chùa Bãi Tháp được ra đời phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân xã Đồng Tháp, là nơi hoạt động, ẩn nấp, chở che cho dân quân du kích địa phương.
Về mặt kiến trúc nghệ thuật, tuy ra đời muộn nhưng sự hiện diện của ngôi chùa góp phần làm phong phú thêm phong cách kiến trúc Phật giáo qua từng thời kỳ. Hệ thống tượng Phật một số pho được chuyển từ chùa Nhạn Tháp đến như tượng Tam Thế mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Các di vật khác tuy có niên đại tạo tác vào giữa thế kỷ XX nhưng vẫn chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa nhất định, là phần hồn không thể thiếu để di tích trở thành một di sản đúng với tính chất và nội dung thờ tự.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định xếp hạng chùa Bãi Tháp là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 2139/QĐ-UBND ngày 23/4/2024 của UBND TP Hà Nội.
![Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp TP đình Bãi Thụy.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/09/z6301953547313-a48bd54968c61848265c6d6abfbec75b.jpg)
Trước đó, ngày 8/2, xã Đồng Tháp cũng tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp TP đình Bãi Thụy. Đình Bãi Thụy là công trình kiến trúc tín ngưỡng, được dựng lên để thờ Thành hoàng làng Tích Lịch Hỏa Quang và là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân trong thôn. Di tích này là một trong những di sản văn hóa của tổng Phùng xưa có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử cần được bảo lưu, giữ gìn như một đóng góp có ý nghĩa vào kho tàng văn hóa dân tộc.
Ngày 9/2, xã Thượng Mỗ tổ chức đón Bằng di tích cấp TP đình, chùa Hoa Chử. Chùa Hoa Chử là ngôi chùa cổ kính thâm nghiêm, được xây dựng vào thời Mạc, do Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Thái Bảo Đà Quốc Công Thượng Trụ Quốc Phò Mã Mạc Ngọc Liễn hưng công xây dựng vào thế kỷ XVI. Chùa Hoa Chử được xây dựng với mặt bằng kiểu “Nội đinh ngoại quốc” một dạng kiến trúc khá độc đáo và hiếm có trên vùng đất huyện Đan Phượng.
Đình Hoa Chử nằm cạnh chùa Hoa Chử, do nhiều nguyên nhân nên bị đốt vào khoảng thời gian tháng 1/1947. Trải qua thời gian, chính quyền và Nhân dân hưng công phục dựng lại năm 1978; đến năm 2001 tu bổ như hiện nay.
Về giá trị lịch sử, đình - chùa Hoa Chử là những di tích cổ được Nhân dân thôn Hoa Chử xây dựng từ lâu đời. Chùa Hoa Chử còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật và đồ thờ có giá trị, niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn như: 1 bia đá phong cách nghệ thuật thời Mạc; 3 bia thời Nguyễn; 1 chuông đồng thời Nguyễn; 1 khánh đá phong cách nghệ thuật thời Lê (Chính Hòa 5)...
Xuất phát từ những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học trên, năm 2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định xếp hạng di tích, đình Hoa Chử, chùa Hoa Chử là di tích cấp TP.