Ghi nhận cho thấy, tại vị trí K1+900 đê tả Đáy đoạn qua xã Song Phượng, mặt đê và mái đê bị sạt trượt khá nghiêm trọng. Chiều dài sự cố liên tục mở rộng, lấn vào mặt đê khoảng 1,2m và sạt xuống trung bình 7cm. Sự cố đang gây ra nhiều bất tiện đối vơi việc đi lại của người dân, do đây là tuyến đường đê kết hợp giao thông quan trọng. Đặc biệt, nguy cơ mất an toàn phòng, chống lũ cho tuyến đê tả Đáy là không thể chủ quan, do hiện nay sự cố được đánh giá là còn có khả năng phát triển thêm.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, nguyên nhân sạt trượt có liên quan đến địa chất và lượng mưa lớn, kéo dài từ đầu năm 2021 đến nay. Khi được hỏi có hay không việc xe quá tải khiến mặt đê bị đứt, gãy, ông Đạt khẳng định trên tuyến đê tả Đáy không có tình trạng phương tiện tải trọng lớn qua lại. Tuyến đê chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Trước tình trạng sạt trượt mái đê, nứt vỡ mặt đê tả Đáy, Hạt quản lý đê huyện Đan Phượng và chính quyền xã Song Phượng đã cắm biển cảnh báo. Tổ chức hướng dẫn, phân luồng để người và phương tiện hạn chế qua lại tại vị trí K1+900 đang xảy ra sự cố. Cùng với đó, cắt cử cán bộ theo dõi thường xuyên diễn biến sự cố để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý giờ đầu.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã thị sát trực tiếp, đánh giá mức độ sự cố sạt trượt mặt đê, mái đê tả Đáy tại vị trí K1+900. Trên cơ sở đó, thống nhất báo cáo trình UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo phương án khắc phục cụ thể.
Cũng theo đại diện Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, ngoài vị trí sạt trượt đê tả Đáy tại xã Song Phượng, thời gian qua trên các tuyến đê của TP ghi nhận nhiều sự cố về đê điều trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Bùi, đoạn qua các huyện Ba Vì, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây. Hiện, một số sự cố nghiêm trọng đã được UBND TP Hà Nội quan tâm, bố trí ngân sách để khắc phục cấp bách, bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai trong những năm tiếp theo.