Dự hội nghị có Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phùng Văn Dũng.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn cho biết, trong 10 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 22-CT/HU của Huyện ủy đã được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc và sự đồng thuận hưởng ứng của Nhân dân nên đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, ứng xử văn hóa có chuyển biến tích cực và hiệu quả.
Việc cưới được tổ chức gọn nhẹ, không kéo dài. Tệ thách cưới không còn, chủ yếu do hai gia đình thống nhất với hình thức gọn, nhẹ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống tốt đẹp. Các đám cưới cơ bản không dùng thuốc lá, hình thức lễ chín như trước đây được xóa bỏ.
Nổi bật là huyện Đan Phượng đã xây dựng được mô hình cưới văn minh của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ với 90 đám cưới chỉ dùng tiệc trà, bánh kẹo và làm cỗ nội bộ trong gia đình.
Thực hiện tang văn minh, tiến bộ có sự chuyến biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Nhiều gia đình tổ chức việc tang đảm bảo chu đáo, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và hoàn cảnh gia đình. 100% các gia đình không để nhạc tang quá 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng.
Chủ trương khuyến khích hoả táng người qua đời được các cấp, ngành triển khai và đạt kết quả cao. Năm 2022, tỷ lệ hỏa táng đạt 71%, tăng gần 48% so với năm 2013. Đặc biệt, số người cao tuổi viết di chúc sau qua đời đi hoả táng ngày càng tăng.
Lễ hội hàng năm phát huy được truyền thống văn hóa của quê hương, phần lễ, phần hội có ý nghĩa thiết thực, thời gian giảm hơn trước. Việc mừng thọ đảm bảo trang trọng, tiết kiệm. Ứng xử văn hóa trong cuộc sống, trong các hoạt động xã hội, ở công sở và nơi công cộng, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị 22 của Huyện ủy Đan Phượng trong 10 năm qua còn có những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đó là việc xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở có nơi còn chưa đồng bộ, chưa sâu rộng, thường xuyên. Các mô hình cưới văn minh chưa được nhân rộng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Phùng Văn Dũng và Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể và Nhân dân tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 11 của Thành ủy, Chỉ thị số 22 của Huyện ủy đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong huyện.
Gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, ứng xử văn hóa với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị. Thực hiện nghiêm túc 2 Bộ quy tắc ứng xử của UBND TP Hà Nội, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, kịp thời nắm bắt thông tin, dư luận xã hội; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giao tiếp ứng xử văn hóa, “nói lời hay, làm việc tốt”; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nhân dịp này, 30 tập thể và 54 cá nhân có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 22 của Huyện ủy Đan Phượng đã được khen thưởng.