Hiện nay, huyện đảo Kiên Hải có bốn xã gồm: Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du với 13 ấp, 23 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích tự nhiên là 27,85 km2, dân số trên 22.000 người.
Cách đây 40 năm, ngày 12/4/1983, huyện đảo Kiên Hải được thành lập trên cơ sở chia tách từ một số xã của huyện Hà Tiên gồm quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa, Hòn Nghệ và một số xã của huyện An Biên (gồm quần đảo Nam Du và Hòn Tre.
Từ một huyện đảo còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống thưa thớt, cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế-xã hội hầu như không có, qua 40 năm, Kiên Hải đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-11%, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,5 triệu đồng, tăng 20,5 lần so với khi mới thành lập.
Các xã của huyện được đầu tư xây dựng đường quanh đảo, 2 xã Hòn Tre và xã Lại Sơn được đầu tư điện lưới quốc gia từ đất liền kéo ra, đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 98%; có 3 xã có trạm cung cấp nước sinh hoạt; 100% trường học được xây dựng kiên cố; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn huyện có hơn 1 ngàn tàu cá được đầu tư hiện đại, đạt sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản hàng năm khoảng 50 ngàn tấn, tăng hơn 7,2 lần so với năm 1983. Mỗi năm Kiên Hải đón khoảng 430.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc thành lập huyện là chủ trương đúng đắn; với những thành quả đạt được của huyện trong 40 năm qua, huyện đảo Kiên Hải là điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện đảo phải bám sát quy hoạch tỉnh để xây dựng, triển khai quy hoạch huyện đảo cho phù hợp, khả thi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng trọng yếu như đường cấp điện lưới quốc gia cho 2 xã còn lại là An Sơn, Nam Du; kết cấu hạ tầng nghề cá với khu neo đậu tránh trú bão Nam Du; các dự án nuôi biển; đẩy mạnh chuyển đổi ngành, nghề, cơ cấu lao động phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch, nuôi trồng thủy sản.