Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, hơn 3 năm qua, Chương trình OCOP đã được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, chủ thể sản xuất - kinh doanh nhiệt tình hưởng ứng, tạo thành phong trào sâu rộng, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn.
Từ năm 2020 đến nay, 28/30 quận, huyện, thị xã (trừ Cầu Giấy và Hai Bà Trưng) đã phát triển được 2.140 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 6 sản phẩm được Bộ NN&PTNT chứng nhận đạt 5 sao, 12 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, 1.365 sản phẩm được UBND TP phân hạng 4 sao, còn lại 757 sản phẩm đạt 3 sao OCOP.
Trong số 6 sản phẩm OCOP được cấp 5 sao của Hà Nội, huyện Gia Lâm có đến 5 sản phẩm; sản phẩm 5 sao OCOP còn lại thuộc về chủ thể ở huyện Mỹ Đức. Quận Bắc Từ Liêm có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao. 3 địa phương có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao gồm: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Xuân. Đông Anh và Hoài Đức - mỗi địa phương có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Huyện Đông Anh là địa phương dẫn đầu toàn TP về phát triển sản phẩm OCOP về mặt số lượng. Địa phương này hiện đã có 185 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tiếp đến là các huyện: Phú Xuyên 177 sản phẩm, Thường Tín 166 sản phẩm, Chương Mỹ 145 sản phẩm, Thạch Thất 142 sản phẩm…
Trong năm 2023, Hà Nội phấn đấu tiếp tục đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Tính đến nay, đã có 23/30 quận, huyện, thị xã đăng ký phát triển 375 sản phẩm OCOP. Các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ minh chứng để đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP trong thời gian tới.